7/03/2015

Bài diễn văn trong lễ tốt nghiệp của các tân khoa Trường Đại học Hoa Sen

Trường Đại học Hoa Sen vừa tổ chức Lễ Tốt nghiệp lần thứ 1 năm 2015 cho 535 sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng và Kỹ thuật viên (KTV). Tại Lễ Tốt nghiệp, bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng nhà trường đã có thông điệp quan trọng gửi đến các tân khoa.
 
 
Các bạn Tân khoa của Đại học Hoa Sen thân mến,
 
Các anh chị sắp bước ra khỏi hội trường này để khởi nghiệp trong thời điểm đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Theo thống kê năm nay của trường, cứ 100 tân khoa đang ngồi đây, trong hội trường này, có 80 bạn đã tìm được việc làm và sẽ quay lại làm việc vào thứ hai.
 
Trong thông điệp gởi đến các tân khoa ngày hôm nay, tôi muốn nói đôi lời về hai vấn đề dường như không mấy liên quan. Tuy không liên quan với nhau, nhưng cả hai vấn đề này đều nóng bỏng, thiết thân đối với sứ mạng giáo dục và những giá trị cốt lõi mà trường Hoa Sen theo đuổi từ 1991 tới nay, đã gần một phần tư thế kỷ. Đó là tư duy không vì lợi nhuận và mối đe dọa từ Trung Quốc.
 
Đầu tiên, tôi xin giải thích ý nghĩa của ‘không vì lợi nhuận’. Ở góc độ pháp lý, một tổ chức phi lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận (cũng có thể dịch bằng ‘bất vụ lợi’ hay ‘vô vị lợi’) sử dụng lợi nhuận hoặc còn gọi là chênh lệch thu chi của mình để đạt được mục tiêu đề ra thay vì phân phối lại cho nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu dưới dạng cổ tức hay lợi nhuận kinh doanh. Quyết định hoạt động không vì lợi nhuận không có nghĩa là tổ chức đó không quan tâm tìm lợi nhuận từ những hoạt động hay dịch vụ của mình. Mỗi quốc gia có luật giới hạn mức độ mà một tổ chức không vì lợi nhuận được sử dụng phần chênh lệch thu chi để chi trả cho người góp vốn. Tại Việt Nam, luật giáo dục đại học 2012 và nghị định liên quan có quy định trường đại học không vì lợi nhuận phải tuân thủ mức trần cổ tức để dành phần lớn lợi nhuận tái đầu tư vào giáo dục. Đó cũng là điều mà Đại học Hoa Sen đã thực hiện từ ngày đầu thành lập trường, đang thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện ngày càng tốt hơn trong tương lai.
 
Bà Bùi Trân Phượng chúc mừng các tân cử nhân. Ảnh: ĐH Hoa Sen
 
Tư duy không vì lợi nhuận là khái niệm khác. Trong quá trình học tập, các anh chị từng nghe đến tinh thần khởi nghiệp, hay sự năng nổ cần thiết để đi vào cuộc sống thực tế. Các anh chị đã học các kĩ năng để tăng cường lợi thế cá nhân trong cạnh tranh việc làm tốt và vị thế xã hội. Tư duy không vì lợi nhuận là tư duy nhìn nhận thế giới xung quanh ta không phải chỉ bao gồm khách hàng, đối thủ cạnh tranh, đồng minh, nhà cung ứng, giám đốc và nhân viên, cấp trên và cấp dưới hay lobby chính trị. Mà xã hội còn bao gồm những người có năng lực khác nhau và cùng nhau kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Nói cách khác, tư duy không vì lợi nhuận là ý thức cộng đồng hay ý thức trách nhiệm công dân, là động cơ khiến ta góp tiền cho một tổ chức từ thiện, giúp người già băng qua đường, khi lái xe biết nhường đường cho người đi bộ, hay làm việc cho một tổ chức không vì lợi nhuận như Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD chẳng hạn. Các anh chị có thể hỏi có phải phục vụ cộng đồng tám tiếng một ngày và năm ngày một tuần là điều tốt nhất cho các anh chị không. Câu trả lời của tôi là không nhất thiết. Đã từng và sẽ tiếp tục có một số cựu sinh viên Hoa Sen chọn lựa như vậy. Nhiều anh chị khác vẫn làm việc cho một doanh nghiệp bình thường; đồng thời không quên đóng góp kiến thức, thời gian và tiền bạc để giúp đỡ kể cả những người không phải thân thuộc. Quan trọng nhất là anh chị vừa phải có tư duy, năng lực cần thiết để thành công trên thương trường, đồng thời phải có tư duy, năng lực, thói quen, thậm chí là nhu cầu, khát vọng từ sâu thẳm trái tim mình đóng góp xây dựng xã hội.
 
Liên quan đến các bạn tân khoa và Đại học Hoa Sen, tôi mong muốn các bạn sẽ luôn dõi theo sự phát triển của nhà trường và góp phần đảm bảo rằng Hoa Sen sẽ tiếp tục tái đầu tư hầu hết, tiến đến là toàn bộ chênh lệch thu chi vào hoạt động giáo dục và phục vụ cộng đồng. Tôi mong các anh chị sẽ làm tiếp những gì mà các anh chị đã làm, đó là tham gia đặt ra những câu hỏi, kể cả chất vấn Ban Giám hiệu về hiệu quả sử dụng học phí và sự giữ gìn, phát triển các giá trị cốt lõi đã làm nên uy tín, hình ảnh nhà trường. Và tôi cũng mong, giống như nhiều cựu giảng viên – nhân viên và cựu sinh viên các lớp trước, các tân khoa ngồi đây sẽ tiếp tục giữ quan hệ tích cực và đóng góp, ảnh hưởng đến tương lai nhà trường.
 
Các tân khoa Đại học Hoa Sen thân mến!
 
Một năm trước, Trung Quốc đã đưa một giàn khoan khổng lồ vào vùng biển thuộc địa phận Việt Nam và đe dọa sẽ quay trở lại. Nay Trung Quốc đang củng cố vị trí trên những rạn san hô tại Biển Đông mà họ có được bằng việc đánh chiếm của Việt Nam. Trung Quốc thậm chí bây giờ đã mang thiết bị quân sự đặt ở các cấu trúc xây dựng trên các rạn san hô. Những hoạt động này của Trung Quốc làm xáo trộn giao thông hàng hải bình thường và hoạt động đánh bắt cá của ngư dân. Đồng thời chúng cũng rõ ràng đưa Việt Nam vào tình trạng nguy hiểm. Tôi không lặp lại những điều mà mọi người đã đọc trên các phương tiện truyền thông... Tôi thiết tha mong các anh chị với tư cách công dân Việt Nam phải suy tư, phải có quan điểm cá nhân về tình hình này, theo dõi những diễn biến tiếp theo và có hành động phù hợp. Cho dù sau này các anh chị có chọn cho mình một công việc hay sự nghiệp tương lai gì đi nữa, các anh chị sẽ luôn nghĩ đến đồng bào ruột thịt và vận mệnh của đất nước. Các anh chị sẽ luôn thành tâm làm điều gì đó cho quê hương.
 
Cuối cùng, các anh chị nhớ chạy xe cẩn thận, đề phòng phụ gia độc hại của Trung Quốc trong thực phẩm Việt Nam. Hãy luôn thể hiện mình là một người Việt Nam có học, sống tử tế, làm việc đàng hoàng và cư xử nhân ái.
 
Thay mặt đội ngũ sư phạm nhà trường, tôi xin vinh danh sự thành công của các anh chị và chúc các anh chị mọi điều tốt đẹp nhất trên đường đời.
 

6/22/2015

Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh



Phó Đề Đốc HOÀNG CƠ MINH

Một người anh, một người thầy, một cấp chỉ huy mẫu mực của Hải Quân VNCH.

Nhân ngày sinh nhật của anh 20/6/1935 cũng là ngay sinh nhật của tôi nhưng sau 8 năm 20/6/1943, tôi muốn gởi bài này đến chị Vân người vợ của anh với lời nhắn đến chị và gia đình, đến những người thương yêu anh: Anh không cô đơn, anh luôn sống trong lòng chúng tôi.
 
Đã từ lâu tôi có một ấp ủ viết vế ông Hoàng Cơ Minh như một người anh, một người thầy, một cấp chỉ huy mẫu mực mà i có cái duyên được làm việc với ông những 3 lần trong suốt mười một năm trong Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà, cả ba lần ấy đều do sự đề nghị của ông.
 
- Lần thứ nhất năm 1968

Tháng 12/1968 tôi đang lênh đênh trên HQ 617 với cấp bậc Trung Uý hạm phó tại cửa Việt mùa
gió Đông Bắc với sóng lớn và gió lạnh  thì nhận được công điện từ BTL / HQ Sài gòn kêu về  trình diện BTL/HQ/phòng tổng quản trị để đi học Chiến Tranh Chính Trị tại trường Đại Học CTCT Đà lạt. Tôi rất ngạc nghiên vì mình chưa bao giờ làm đơn hay có ý định về việc này  tuy nhiên vào những ngày này tại vùng biển động gió Đông Bắc lạnh giá mà có dịp bay về Sai Gòn thì quả thật .....không thể từ chối được, thế là tôi xin phép Hạm trưởng rời tầu khi tầu về nghỉ bến Tiên Sa tại Đà Nẵng. Với bản công điện của BTL/HQ tôi ra phi trường quân sự lấy chuyến bay của Hải Quân Mỹ mà chúng tôi thường gọi là AIR Navy về Saigon, ngủ một đêm yên bình trên nệm ấm không thấy lắc lư con tầu đi và tiếng ù ù của máy tầu, sáng hôm sau cầm bản copy bức công điện lên lầu 2 BTL/HQ/phòng TQT để " khiếu nại " về việc này thí được Tr/Tá Thì cho biết Tr/Tá Hoàng cơ Minh Tham Mưu Phó CTCT /BTL đề nghị anh, tôi xúc động vì ông là người tôi hằng hâm mộ và cảm phục qua nhiều tin tức nói về ông từ ngày tôi ra trường. Gặp ông tôi lai thấy ông vồn vã ân cần và thân mật như một ông anh trong gia đinh đang lo cho cậu em ghi danh vào Đại Học chọn nghề cho tương lai khi vừa thi đỗ tú tài 2, sự ân cân vồn vã làm tôi xúc động. Ông quả thật  lả một ông anh cả trong gia đình mình thật rồi! Thế là hai hôm sau tôi trở lại BTL/HQ/phòng TQT lấy vé máy bay AirVN đi Đà Lạt để trình diên trường Đại Học CTCT. Trường nằm trên một ngọn đồi không xa khu trung tâm chợ Hoà Bình là mấy, lúc này CHT trường là Phó Đề Đốc Lâm Nguơn Tánh, có lẽ ông cũng giống tôi, Hải Quân mà thích lên núi nghỉ mát. Thủ tục trình diện xong ông mời tôi ngồi rồi phàn nàn là ông xin hải quân cho 5 khoá sinh thế mà chỉ gởi được một và cho biết tôi là SQ/HQ đầu tiên được vào ngành CTCT chính quy tại trường qua chương trinh căn bản. Quả thật Hải Quân từ năm 1969 đã rất thiếu SQHQ cho sự bành trướng quân đôi trong kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh. Ba tháng trôi qua rồi ngày ra trường cũng đến, trong bức hình chụp khoá 7/CB/CTCT chỉ có mình tôi với bộ tiểu lễ HQ mầu trắng từ đầu đến chân, bị các bạn đồng khoá từ các quân binh chủng khác như nhảy dù, bộ binh, không quân,quân y ...... theo lệnh anh trưởng khoá, sau khi xin phép chi huy trường, chộp ngay lấy tôi SQ HQ duy nhất làm vật tế thần khiêng ra bể nước sân trường liệng vào. Tôi được bơi lặn trong một ngày thật vui. Buổi chiều hôm đó tôi ra nhà ga Đalat đi xe bus đến phi trường Liên Khương bay về Saigon. 

3/1969 – 12/1969 tại phòng chính huấn  khối CTCT/BTL/HQ Sai Gòn.

Lúc này tôi được thường xuyên gặp ông được trao đổi tài liệu phong thái làm việc quan niêm và phong cách đổi mới của ngành CTCT mà từ trước chỉ nặng sự trình diễn hình thức qua nhưng buổi thuyết trình khô khan mà phải đi sau vào tâm tư của binh sĩ, nêu rõ cuộc chiến tự vệ của chúng ta là cuộc chiến chống lại sự xâm lăng cua CS miền Bắc. Họ đã vi phạm hoàn toàn hiệp định Genève 1954 chia VN làm hai miền hai chế độ cùng nhau xây dựng ngày thống nhất bằng một cuộc bầu cử có giám sát Quốc Tế chứ không dùng vũ lực với chiêu bài chống Mỹ giải phóng miền Nam, trong khi CS Bắc Việt đã lập lên MTGP miền Nam năm 1960 và thực sự Mỹ gởi quân tham chiến vào VN năm1966 . Ông thường nhắc nhở cán bô CT phải nắm vững lập luận đó để khai triển mọi sinh hoạt bài vở tài liệu ......Trong khi đó phần lơn các đơn vị chi coi ngành CTCT là những buổi văn nghệ tiệc tùng sân khấu ca sĩ nhảy múa ........các phần này chỉ là phụ mà thôi.

Suốt thời gian làm việc tai BTL/HQ tôi thấy ông trăn trở băn khoăn trong khi dường như phần lớn những người khác nhìn ông như một người mơ mộng lý tưởng, vì thế mỗi lần đi họp ông trở nên lạc lõng với cách ăn mặc bình dị, quân trang phát sao ông mặc vậy, đôi lúc bộ quần áo làm việc của HQ mầu xám áo mầu thì đậm quần thì lợt. Với tập hồ sơ kẹp nách ông bước vào CLB /HQ  cuối đường Cường Để trong khi đó các sĩ quan khác với quần áo 4 túi may ngoài tiệm Thích Phú, một tiêm may quân trang HQ  nổi tiếng từ thời xưa. Có lần tôi được đi cùng ông vào CLB/HQ gặp tư lệnh HQ, ông bị hỏi sao áo và quần lại khác mầu thì ông trả lời quân trang HQ phát sao tôi mặc vậy mà, chuyện là như thế. Trong mắt đa số ông là một hiện tượng, trong mắt tôi ông là hiện thân của sự giản dị gần gũi thực tế không cái gì phải che giấu ngụy trang  khoe khoang.  Cứ thế tôi đã học được từ ông sự giản dị như một ông thầy trung thực  thẳng thắng bình dị và lúc nao cũng tự tin ở chính mình, không vì lời khen chê mà phải thay đổi bản ngã của mình.

Lần làm việc tại BTL/HQ thời gian trôi đi đến gần cuối năm 1969 tôi phải trở về tầu với chức vụ hạm phó Giang pháo hạm HQ 329 nhiệm vụ cùng HQ330 với 2 trợ chiến hạm HQ 225 và HQ 226 thuộc BTL/Ham đội  cùng lực lượng các Giang đoàn thuộc HQ Vùng 4 sông ngòi tiến vào Cam Bốt từ hai nhánh Tiền và Hậu Giang qua cửa khẩu Tân Châu  yểm trợ cho thủy quan lục chiên tiến vào Cam Bốt giải cứu người Việt bị nạn Cáp duồn và lật đổ Sihanouk. Chiến hạm của tôi thường trực tại giữa dòng Cửu Long trên bến phà Lích lương làm trung tâm hành quân cua Hải Quân sông ngòi và thủy quan lục chiến trên bộ. Cũng trên dòng sông này tôi được thăng chức Đai Uý trong chiến dịch này. Gần cuối năm 1970 tầu trở về Sai gòn nghỉ bến và vào HQ công xưởng sửa chữa tiểu kỳ, đây là lúc nghỉ ngơi thoải mái nhất cửa thủy thủ đoàn làm việc theo giờ hành chánh ngoài giờ hành chánh chỉ còn phân đội trực 1/3 quân số ở lại tàu canh gác. Là hạm phó, tôi trở thành SQ nội vụ chia cắt công việc mỗi ngày giao cho thượng sĩ quản nội  trưởng thi hành rồi đủng đỉnh đi bờ. Có rất nhiều chỗ phải đi, bạn bè cũ, mới ,cùng khoá ......lẽ tất nhiên là cả những bạn gái xa lắc hoặc mới quen, thật là thú vị cho đời thủy thủ là lúc này đây. Con tầu thì được trang điểm lại như sửa sắc đẹp của các cô gái còn Thuỷ thủ đoàn làm ấm lại nhưng mối tinh cũ mà lâu nay bỏ quên hoặc không có dịp gặp thường xuyên trong đó có tôi, đó là lẽ tự nhiên thôi .  

- Lần thứ 2 

Một buổi sáng thứ hai vào tầu làm việc đọc các công điện nhận được. Một công điện làm tôi ngỡ ngành, chỉ thị cho tôi trình diện BTL/HQ/phòng quân huấn lên đường đi Nha trang tai TTHL/HQ trường SQHQ làm giám khảo (hỏi vấn đáp ) môn vận chuyển thực hành tại cơ xưởng Cầu Đá Nha trang cho việc ra trường khoá 19 HQ. Đây gần như một dịp nghỉ mát tại quê nhà vì trước khi vào hải quân tôi vốn là dân Nha trang học tai trường Võ tánh và từ trường này tôi đã quen một người con gái mà hiên nay nàng và gia đinh đang ở Saigon, hiên nàng đang làm trong ngân hang Việt Nam Thương Tín vừa gặp lại. Để nhớ lại nhiều kỉ niệm xưa không gì bằng trở lại  Nha Trang và có dịp kiếm quà cho nàng. Thế là tôi lên BTL /khối quân huấn nhận sư vụ lệnh và được biết chính chánh chủ khảo tuyển các si quan khoá 19 HQ là HQ Trung Tá Hoàng cơ Minh, đồng thời cũng là chủ tịch hội đông giám khảo ra trường của khoá 19 SQHQ.

Đến Nha Trang vào buổi trưa nắng thật đẹp , gió mát, biển trong xanh tôi trở về ngôi trường xưa trình diên chánh chủ khảo Hoàng cơ Minh. Tại phòng họp khu sĩ quan vào buổi chiều đó chủ tịch Hoang cơ Minh phát cho toàn ban giám khảo một bản chương trình làm việc rất chi tiết rõ  ràng và bắt đầu ngày mốt tiến hành. Hoá ra ông đã đến đây cả tuần trước và soạn thảo toàn bộ công việc cho từng ban thi hành rất chi tiết mạch lạc.Tôi thuộc ban vấn đáp và thực hành vận chuyên tại hải cảng Cầu Đá Nha Trang một thượng sĩ trưởng kho vật Liêu Hải Quân phụ tá đưa tôi đi khiểm tra trước các phương tiên sẵn sàng để tiến hành sau khi các khoá sinh hoàn tất thi viết. Vào buổi chiều tôi có dịp đi lại những con đường kỉ niệm xưa thật thoải mái đêm về lại được nghe tiếng sóng biển dạt dào bên tai thật là thú vị. Rồi mọi việc cũng hoàn tất, buổi họp cuối cùng được triệu tập, chánh chủ khảo Hoang cơ Minh cám ơn mọi người va chính thức ký biên bản kết quả chấm thi cho khoá 19HQ trao lại cho chỉ huy trưởng quân trường Hải quân Nha Trang. Ban giám khao đươc BTL/HQ gởi đến chấm dứt nhiệm vụ và giải tán. Trong suốt thời gian làm việc vơi ông quả thật ông đã thể hiện là một sĩ quan tham mưu ưu hạng làm chung tôi khâm phục chúng tôi tuần tự rời Nha trang về đơn vi vài ngày sau đó.

Trở về Sai gon với con tầu tu bổ và làm đẹp còn mình cũng phải ổn với món quà và câu chuyên về Nha trang, tôi đến với vợ tôi bây giờ bằng đám cưới ngày 14/2/1971 sau này đến Mỹ tôi mới biết đó là ngày Valentine's Day. Đám cưới mới vừa xong thì nhận được lệnh thuyên chuyển... 

- Lần thứ 3 BTL/LL/Thuỷ Bộ 211

Lấy nhau xong rồi đi, tôi chợt nhớ đến câu thơ này và cầm cái lệnh lên BTL/HQ/Phòng Tổng quản trị hỏi xem nhiệm kỳ đi biển của tôi chưa đủ 2 năm sao lại lên bờ sớm thế ? ! Thì được trả lời Trung Tá Hoàng cơ Minh TL phó LLTB 211 xin cậu về làm trưởng khối CTCT của BTL lực lượng đó, chuẩn bị hành trang trong 2 ngày cuối tuần sáng thứ hai tôi đến bến xe đò đi Mỹ Tho buổi trưa thứ hai ghé quán ăn trước cổng căn cứ làm một tô hủ tíu mỹ tho rồi vào căn cứ lấy bus của căn cứ đến bộ tư lệnh lực lượng thủy bộ 211 nằm bên bờ một cái hồ nhân tạo được đào để tầu và các chiến đĩnh của Hải Quân Mỹ Việt từ dòng tiền Giang vào nghỉ bến sửa chữa tiếp liệu....... chỉ huy trưởng căn cứ là Thiếu Tướng Nguyễn khoa Nam tư lệnh sư đoàn 7 bô binh vị tướng độc thân rất chuẩn mực lúc nào cũng đội nón sắt yêu lính thương lính như anh em ruột thịt. Trong căn cứ này gồm 3 bộ chỉ huy HQ hoa kỳ lục lượng PCF trên sông , sư đoàn 7 bộ binh và LL thủy bộ HQVN tư lệnh lúc đó là HQ Đại Tá Nguyễn văn Thông nguyên là tư lệnh HQ vung 1 duyên hải ở Đà Nẵng chuyển vào để thành lập các Giang đoàn thủy bộ của Mỹ chuyển giao . Bộ tư lênh là những dẫy nhà gỗ tiền chế chung quanh được xép bao cát cao trên đầu ngươi chống pháo kích. Khu sĩ quan là dẫy nhà 2 tầng, tầng trên vắng lạnh không ai ở tầng dưới gồm khoảng trên 20 phòng chỉ có 3 phòng được sử dụng phòng đầu trung tá Lạng k7 HQ tham mưu trưởng, cách 5 căn trống là phòng tôi chọn gần cửa  ra vào của dẫy nhà, căn cuối nhiÌn ra bờ hồ Đại uý Hoàng cùng khoá, trưởng khối tiếp vận đã đến đây từ trước. Sáng hôm sau tôi trình diên TL Phó Hoàng Cơ Minh trước, ông thân thiện ân cần như ông anh trong nhà căn dặn tôi khoan đề ra mọi kế hoạch với tư lênh bay giờ và chỉ xin ông cho đi theo ông đến các đơn vị Giang đoàn,  căn cứ, đóng rải rác như Cà mâu, Rạch sỏi ,Năm căn, Dẻo rô.......những địa danh lạ  hoắc tôi  chưa từng biết đến bao giờ ,nhìn tôi bối rồi ,lo âu ông ôn tồn, vồn vã ,nói sau 3 tháng về đây tôi sẽ cho cậu kế hoạch chắc chắn đai tá tư lệnh sẽ không thể không chấp nhận được vì tôi biết ông tư lệnh không quan tâm lắm về hoạt động của cái ngành này ! Trong bao nhiêu năm ông vẫn để một chuẩn uý bộ binh biệt phái  ngồi ở căn cứ mỗi tháng sao lai cái báo cáo của tháng trước đổi các con số rồi cho ông ký tên và gởi đi thế là xong . Gần buổi trưa tôi được chánh văn phòng tư lệnh đưa vào trình diên, quả thật ông tư lệnh nghiêng cái đầu nhìn tôi như một vật lạ lùng rồi với giọng nói gần gần như mỉa mai : " một Đại Uý cơ à ? Ở đây lính nó khổ lắm hãy làm cho nó sướng đi " ông ưỡn người ra ghế như mỏi mệt lắm ! Tôi xin phép tư lệnh thưa lại như anh Minh căn dặn , ông bật người ngồi thẳng dậy tròn mắt nhìn tôi  ngạc nhiên nói " ngon thế à ! Được thôi ". Ông gật gù cái đầu gân như liền với cái vai của ông và cho phép tôi lui, cũng chẳng có cái bắt tay làm như tôi là kẻ xa lạ. Rời phòng tư lệnh tôi hiểu anh Minh chắc lúc trình diện ông ngày đến đây cũng nhận được sự tiếp đón như vậy, tôi thương anh quá ! Về sau khi nghe nhiều người kể về anh ,sau khi hoàn tất khoá chỉ huy tham mưu cao cấp ở Hoa kỳ về nước ngày thứ năm ,ngày thứ sáu anh trình diên BTL /HQ nhận lệnh thuyên chuyển đơn vị mới là LL Thuỷ bộ 211 tại Đồng Tâm, thì ngay thứ sáu anh lên đường xuống Mỹ Tho để buổi chiều thứ sáu trình diện tư lệnh, bỏ hai ngày nghỉ cuối tuần với gia đình dù đã xa nhà hàng mấy tháng du học tại Mỹ. Quả thực anh có những quyết đinh khác người không ai làm được.

Hai tháng trôi qua tôi được đi theo lúc thì với anh lúc thì với tư lệnh tôi thấy một cay đắng người ta chỉ đánh giá kết quả là tổng số xác chết,vũ khí.....của địch được tịch thu mà quyên đi sự tổn thất tinh thần trong binh sĩ của mình . Tiếp xúc với các sq và binh sĩ phần lớn đều mang một tâm trạng ngao ngán mệt mỏi , họ đến đây đơn vị tác chiến thực sự của Hải Quân trong kinh lạch rừng U Minh như một sự lưu đầy, trưng phạt, lúc nào cũng mơ ước được thuyên chuyển đi khỏi đây ,một số có gia đinh được sống tại cư xá HQ tại Đồng Tâm có một trường tiểu học một traòm y tế bên cạch còn phần lớn độc thân, cha mẹ ông bà thân nhân ở rải rắc vùng đồng bằng sông cửu Long  và miền trung xa xôi .Sự lo âu của họ khi một biến cố sẩy đến cho chính họ hay bạn hữu của là chính đáng ,chỉ trong gần hai tháng tôi và anh Minh đã hoàn tất cả một chương trình bao gồm :

  -Trại gia binh HQ ,trường tiểu học, trạm y tế ,căn cứ hải quan Đồng Tâm......tất cả phải được trùng tu sạch sẽ vệ sinh.

  -Các quy chế đi phép phương tiện đi chuyển từ vùng hoạt động với hậu cứ hoặc đi chuyển về quê nghỉ phép được quy định và phổ biến cho toàn đơn vị.

  -Quỹ tương trợ được thành lập từ các đơn vị ( hoàn toàn tự nguyện ) để giúp đỡ cấp bách ngay cho thân nhân binh sĩ có phương tiện đi chuyển đến thăm binh sĩ bị thương hay tử thương trước khi các thủ tục hành chánh hoàn tất.

  -Các buổi sinh hoạt CT tại đơn vị không phải là nhưng bài đọc khô khan mà là một buổi sinh hoạt thân mật của chỉ huy trưởng  với nhân viên với sự điều hợp của Sq /CTCT đơn vị, không nhất thiết hàng tuần hoặc hàng tháng mà tuỳ vào hoạt động của đơn vị, không nhất thiết phải là một hội trường với cờ hoa biểu ngữ bàn chủ tọa, có thể là một cầu tầu chụm lại an toàn, có thể là một bờ kinh an toàn......bất cứ lúc nào và ở đâu CHT và SQ CTCT thấy thích hợp la tiến hành ngay. Đây là phong cách cho các đơn vị tác chiến, một cây đàn guitar một cây sáo một giọng ca một bài thơ.........được ngâm lên đúng tâm tư của người linh xa nhà vơi lời hỏi han thân mật của cấp chỉ huy đến binh sĩ của mình thì quả thật hơn hẳn những bài đọc CT khô khan kéo dai hàng giờ được ghi trong các bản báo cáo gởi về BTL/HQ/khối CTCT hàng tháng.

Anh Minh đã làm như thế vơi các đơn vị anh đưa tôi  đi thăm để vừa huấn luyện tôi vừa thổi vào  một luồng không khí mới cho sinh hoạt CTCT đơn vị .

Anh đưa tôi  đi xa hơn nữa , huấn luyện tôi thành người rất thực tế  trung thực tự tin miệt mài trong công việc tận tụy và làm gương cho binh sĩ. Khi phát động phong trào vệ sinh toàn khu gia binh, khai thông cống rãnh chính anh đã sắn quần lội xuống rãnh nước bùn đen dùng cào vét rác làm cho viên cố vấn Mỹ cũng vội vã sắn quần xuống theo trước những con mắt kinh ngạc của các phụ nữ đứng trước hiên nhà và hình như từ hôm đó việc vứt rác bừa bãi vào rãnh thoát nước bên hông nhà không còn nữa.Cái nguyên tắc của anh muốn người ta làm  cái gì thì chính anh làm trước, hơn thế nữa binh sĩ thường sợ hãi một đoạn kinh nào thường bị bắn sẻ thì chính anh lại hay xuống các chiến đĩnh để cùng đi vơi họ. Thời gian trôi thật nhanh  tôi cũng miệt mài với công việc tôi  vẫn theo anh đi nhiều nơi, học được nhiều thứ, có lần lái xe từ Bình Thuỷ về Đồng Tâm trời gần tối qua ngã ba Cai lậy một quãng, xe bị bắn một quả B40 nhưng có lẽ tên bắn tia vội vã, trái đạn chạm mặt đường sớm trước khi xe trờn tới nên anh ngồi phía trước bị mảnh nhỏ xước qua gò má phải , chảy máu về đến Đồng Tâm,  anh cho băng bó nhỏ và dặn tôi tối nay về Sài gòn bà xã có hỏi cậu nói là cạo râu phạm phải nhé.Có tuần tôi về Sai gon một mình ghé qua nhà anh ở Khu Đa kao để xem chị Vân vợ anh có gởi gì không, bao giơ tôi cũng nhận có hai thứ : một là thuốc phong thấp vì anh có đôi bàn tay thật to nhưng lúc nào cũng sũng mồ hôi nên khi bắt tay ai anh cũng xin lỗi lau vội vào quần rồi mới bắt tay và món thứ hai là một tập những phong bì thư mà chị viết cho anh mỗi ngày với lời dặn là nói vơi anh nhớ uống thuốc hàng ngày nhé ! Lúc này anh trở nên bé bỏng trong sự săn sóc của chi Vân . Còn một chuyện nữa anh nhờ tôi khi về Sai gon liên lạc với BTL/HQ, anh đưa cho tôi 10 ngàn đồng vừa lãnh lương về gặp Trung Tá Phan đổng Hay phòng chính huấn khối CTCT/BTL nhờ thuê thợ tráng xi măng trước sân và làm cho cái cổng ra vào của căn nhà trong cư xá Cửu Long dẫy nhà gạch anh vừa được cấp phát với lời dặn là không được dùng lính sửa chữa của ty công thự tiện ích Hải Quân. Trung Tá Hay cười với lời cằn nhằn dễ thương " cái thằng dở hơi này " . Căn nhà này hình như anh chưa dọn vào nhưng được một vị SQ HQ  già , giải ngũ lâu rồi thương anh xin hoán đổi mời anh ra ở căn nhà khang trang hơn tại ngã tư Cường Để và Lê thánh Tôn, nơi gia đình anh cư ngụ sau này .

Thời gian trôi nhanh , Đại Tá Thông đổi đi và anh Minh thăng cấp Đại Tá tư lệnh,  ngày kỷ niệm Hai Quân cũng gần tới anh gợi ý cho tôi phải có một cái gì kỷ niêm cho đơn vị, tôi xin anh cho làm môt cuốn phim giới thiệu về  lực lượng thủy bộ 211 lâu nay ít ai biết đến để tham dư Ngày Hải Quan. Tôi về BTL/HQ Sài gòn xin 1 chuyên viên quay phim và liên lạc đài truyền hình quân đội xin 2 chuyên viên, tất cả đều trôi chảy nhờ anh Minh can thiệp. Chúng tôi 4 người lên đường đến tất cả địa danh sông  Rạch vung hoạt động của lực lương :Cà mâu , Năm căn , U minh ,quận Thới Bình, Sẻo rô, Sông cái lớn , Chèn chẹn .......cuốn phim hoàn tất đúng ngày và đươc giới thiêu trên đài truyền hình Sai gòn ngay Hai Quân tháng 9/1971

Rong ruổi theo anh đến thăm các đơn vị Giang đoàn thường có toi và đai uý Hoàng cùng khoá sau buổi họp bao giờ đơn vị địa phương cung mời ăn trưa nhưng bao giơ anh cũng từ chối chỉ xin một ấm nước sôi và đai uý Hoang đã được chỉ thị trước mang theo lương khô cho phái đoàn BTL đến họp dùng ,anh xoá bỏ nhiều cách sinh hoạt của các tư lệnh tiền nhiệm như nhà bếp riêng cho tư lệnh mà dùng cơm chung với các sĩ quan tại câu lạc bộ sĩ quan trong BTL ,câu lạc bộ này cũng được anh cho đổi tên từ ngày anh về đây là THUỶ HỬ tên một ngọn đồi nơi tập trung các anh hùng Lương sơn bạc

Gần cuối năm 1971 tôi phải rời anh về Sài gòn theo học khoá tham mưu cao cấp tổ chức tại TTHL/bổ túc đặt trong hải quan công xưởng thơi gian ở vơi anh tôi học được nhiêu điều thật thú vị.

Thời gian sau đó tôi làm việc tại Sài gòn vẫn theo anh qua tin tức LL211 rời về Bình Thuỷ tỉnh Cân Thơ rồi anh về Cam Ranh làm tư lệnh HQ vùng 2 với cấp bậc Phó Đề Đốc, tôi đến thăm anh tại nhà góc đường Lê thánh Tôn và Cường Để, gặp tôi  anh hỏi "cậu thấy ngạc nhiên không ?" Tôi  trả lời anh không do dự "da thưa không , Đô Đốc phải được như vậy "
 
Niềm tin để mà sống:

30/4/1975 là một ngã rẽ tôi và anh , nhưng tin tức về anh vẫn theo chúng tôi qua cái gọi là trung tâm học tập cải tạo do thân nhân rỉ tai mang vào trại. Chúng tôi những sĩ quan HQ trở thành mục tiêu hỏi thăm của các bạn tù về anh như một cái phao để mà sống và hình như tất cả đều tin là anh đang làm một cái gì đó ở bên ngoài kia chứ không thể an phận kiếp lưu vong ! Quả thật khi tôi được thả về tháng 2 năm 1983 gần cuối năm thì chinh tai tôi đã được nghe bản cương lãnh Mặt Trân Quốc Gia  Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam của chủ tịch Hoàng cơ Minh đọc trên một tần số trong radio tại Sài Gòn bắt được . Cho đến một ngay đài truyền hình loan tin ngày mai tại nhà hát thành phố toà án nhân dân sẽ sử án một số tàn quân phản động Hoàng Cơ Minh, âm mưu xâm nhập biên giới phía tây VN để phá hoại bị bắt tại Nam Lào.

Sáng sớm hôm sau tôi đạp xe ngang qua nhà hát TP ( trụ sở QH cũ ) thấy một biểu ngữ đỏ chữ vàng ghi là Toà án nhân dân TP xử án bọn phản động  Hoàng cơ Minh. Vào buổi chiều đài truyền hình TP cho phát lại buổi sử án cũng có luật sư bào chữa tội nhân đâu 2 hay 3 người lính ( tôi không nhớ rõ lắm )  được cho là thuộc hạ của tướng Minh  bị bắt. Mở đầu luật sư bào chữa nói như công tố buộc hết tội này đến tội khác rồi kết luân đáng bị án tư hình và xin toà khoan hồng, thật là buồn cười. Cũng buổi chiều hôm đó tờ báo Sài gòn giải phóng có một bài phỏng vấn được đăng ở trang 2 giữa một Thiếu Tướng ngành CA với một sĩ quan cấp Trung Uý QĐND, người cung cấp các hình ảnh về tổn thất của lực lượng Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh tại Nam Lào.

Đọc bài báo và nhiÌn hình anh tôi xúc đông muốn khóc .

 

Ngày 22/1/1990 gia đinh tôi  đến Mỹ theo diên HO đi khám bệnh gặp bác sĩ Võ tư Nhượng khi biết tôi là SQ Hải Quân ông vồn vã và khẳng định là anh chưa chết !?...

Quả thật anh chưa chết trong lòng những người yêu mến anh, riêng với tôi anh vẫn là một người anh,một người thầy một cấp chỉ huy mẫu mực trong sạch trung thực thương yêu thuộc cấp như anh em ruột thịt vậy.
 
                                                            Bùi tiết Quý

                      Viết tại Nam California/USA  tháng 6 năm 2015 nhân kỷ niệm sinh nhật ông

                                                         (20/6/1935  -  20/6/2015)        
 

3/02/2015

Kỷ Niệm Về Một Người Anh Trong Thời Niên Thiếu

Hôm nay là 3/3. Cứ vào dịp này mỗi năm tôi lại nhớ lại kỷ niệm 30 năm về trước, tới ngày 8/3/1982: Ngày Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam công bố Cương Lãnh.
Cả tuần lễ trước, chúng tôi bồn chồn chờ đợi, không biết công việc sẽ diễn tiến ra sao. Ngày Công Bố Cương Lãnh đó đã đem lại nhiều thay đổi trong đồi sống chúng tôi... Với ông Hoàng Cơ Minh, kể từ ngày đó ông không còn đơn thuần là một người Việt tỵ nạn, một cựu Tướng Lãnh trong quân lực VNCH. Có một điều không đổi là ông vẫn tiếp tục là "Anh Minh" của tôi như bao năm trước...
Hôm nay tôi xin kể lại với quý bạn "Kỷ Niệm về một người Anh trong thời niên thiếu".

Hoàng Cơ Định


Anh Hoàng Cơ Minh hơn tôi 5 tuổi, anh sinh ngày 20 tháng 6 năm 1935 tại Hà nội, Bắc Việt. Những kỷ niệm thời thơ ấu tôi đã có với anh là hồi tản cư trong chiến tranh chống Pháp.

Gia đình tôi hồi đó tản cư lên tận Việt Bắc, sau vì không chịu được bệnh tật nơi vùng rừng núi và không có nguồn sinh kế nên đã phải tìm về nhà cũ tại Hà Nội lúc đó trong vùng do quân đội Pháp kiểm soát. Vì việc vượt tuyến từ vùng Việt Minh qua vùng Pháp chiếm đóng có nhiều rủi ro, nguy hiểm nên gia đình tôi đã chia làm 2, một nửa theo thân mẫu tôi về Hà nội trước, nửa kia tạm ở lại hậu phương (danh từ gọi chung vùng Việt Minh kiểm soát vào thời bấy giờ). Với thân phụ chúng tôi, anh Hoàng Cơ Minh và tôi ở trong số nửa ở lại này.
Với 4 anh chị em, bà chị lớn 17, anh Minh 12, tôi 7 tuổi và một chú em lên 5, anh Minh và tôi trở nên đôi bạn thiết đi đâu cũng có nhau, hay đúng hơn, anh đi đâu chơi tôi cũng lẽo đẽo theo. Thú vui lớn nhất của chúng tôi là lội xuống ao xúc cá, đây vừa là trò chơi vừa là nhu cầu vì anh em tôi có nuôi một con cò, cần đi kiếm đồ ăn cho cò... Tôi theo anh Minh lội xuống các ao, hồ trong vùng, khẽ lùa chiếc rổ dưới lớp bèo rồi từ từ nhấc lên... Cứ như vậy trong nửa buổi hai anh em, cũng bắt được một vốc tay cá và tôm tép núp dưới lớp bèo. Có lần chúng tôi bắt được một chú rắn nước, anh Minh nhanh nhẹn chộp lấy cổ con rắn và hôm đó chú Cò của chúng tôi được thưởng thức một món ăn khó nuốt và lạ miệng.

Anh Minh là người rất bạo, anh có thể cầm thẳng mấy con sâu mà không ghê tay, nhưng hình ảnh anh ngày hôm đó nắm cổ con rắn với cái đuôi quằn quại đã tạo cho tôi rất nhiều ấn tượng... Với sự chênh lệch tuổi tác là 5 tuổi, anh Minh thường phải “hạ mình” để có thể vui chơi những trò vừa với lứa tuổi của tôi như chua me, cỏ gà. Mô tả trò chơi cỏ gà hơi khó, giải thích làm sao chơi chua me dễ hơn. Chua me là loài thảo thân mềm với một chiếc lá duy nhất có 4 cánh, nhác trông như một cành sen thu nhỏ. Lõi của thân cây chua me là một sợi giống như sợi chỉ. Sau khi bóc đi phần ngoài, thì chỉ còn lại chiếc lá tâm điểm gắn vào “sợi chỉ”. Hai bên giao đấu mỗi bên cầm 1 sợi chua me và ngoắc 2 chiếc lá vào với nhau rồi kéo, bên nào “đứt chỉ” là thua. Anh Minh chịu khó kiếm được những cây chua me lớn và già, tôi luôn luôn thua, cho tới hôm tôi nẩy ra ý gian lấy một sợi chỉ thật buộc vào một lá chua me và giựt đứt đầu 3 “chiến tướng” của anh. Khám phá ra, anh rất giận tát cho tôi một bạt tai nên thân, và tôi nhớ đó là lần duy nhất tôi bị anh đánh đòn trong suốt thời thơ ấu.
Tôi cũng học được ở anh Minh trò chơi phức tạp hơn là làm thuốc pháo. Phía sau đình làng có 1 bức tường, trên mặt tường xuất hiện một lớp bột trắng chỉ cần cạo nhẹ là hứng lấy được. Bột này trộn lẫn với than cây tán nhỏ sẽ có thể dùng làm thuốc pháo. Lúc đầu anh Minh giữ bí mật không cho tôi biết lấy thứ “bột trắng” này từ đâu, sau vì tôi quan sát thấy bột trắng đó có lẫn vôi quét tường nên bạ tường nhà ai cũng cạo ra xem có làm được thuốc pháo không, anh thấy tội nên đã chỉ cho tôi bức tường bí mật và bí quyết của anh (không biết là học được từ sư phụ nào). Sở thích của tôi về môn hóa học phần nào cũng bắt nguồn từ đó. Sau này tôi mới biết chất bột trắng chính là chất salpêtre thường thấy trên tường chuồng ngựa do nước tiểu ngựa bị phân hủy mà thành. Còn chất salpêtre anh em tôi cạo được tại sau đình làng thì không có nguồn gốc từ ngựa mà từ… mấy bác nông phu !
Có một việc anh Minh rất giỏi là bắt cua, cua đồng anh bắt về không những đủ để nấu riêu cả nhà cùng ăn, mà còn dư để chị tôi ướp muối làm “nước mắm cua” nữa. Tôi không dám bắt chước vì chỉ lo đó là hang rắn, mà có gặp cua cũng sợ bị cua cắp…
Cuộc sống an nhàn và nên thơ của chúng tôi kéo dài cho tới khi chiến tranh lan tới làng Đa Lộc nơi chúng tôi tản cư. Lính Tây tới, mấy tự vệ xã nhanh chân trốn hết, buổi tối Tây rút đi họ lại cầm loa ra đình làng khoe thành tích đuổi giặc... Nhưng hôm sau, cảnh tượng những ngôi nhà tranh với đụn rơm kế bên bị cháy đen và tiếng khóc thảm thiết của những gia đình có người thân bị bắn chết đã khiến cho thân phụ tôi quyết định phải tìm đường về Hà Nội sớm. Tôi không còn nhớ rõ chi tiết nhưng vẫn còn ghi lại hình ảnh chúng tôi di chuyển băng đồng vào nửa đêm, lâu lâu lại thấy vài tia đạn lửa bay như đom đóm, tới sáng thì tới đồn kiểm soát của Tây và gia đình chúng tôi cùng vô số dân hồi cư khác ngồi thành hàng đoàn để được khám xét trước khi cho di chuyển vào vùng Tây kiểm soát, từ đây, chúng tôi đi bộ thêm khoảng nửa ngày thì về tới Hà Nội, gia đình chúng tôi được đoàn tụ sau hơn một năm tản cư lên mạn ngược. Sau chuyến tản cư này, gia đình tôi tuy không có ai mang thương tích vì chiến tranh nhưng ai cũng bị sốt rét, chị lớn của tôi bị nặng hơn cả, về tới Hà Nội cả năm sau còn bị ngọng. Còn tôi thì ghẻ lở cùng mình, nhiều tháng sau nhờ có nước máy Hà nội và xà bông, thay vì nước ao ở vùng quê, nên mới dần dần hết.
Tại Hà Nội tôi học trường Nguyễn Du, phố Hàng Vôi gần nhà, anh Minh và anh Long học tại trường Chu Văn An ở phố Hàng Cót. Về tới Hà Nội anh Minh không còn thân với tôi nữa, phần lớn thì giờ anh chơi với anh Long, chỉ cách anh 1 tuổi, thay vì thằng em thua anh những 5 tuổi, trẻ nhỏ chênh nhau 5 tuổi là nhiều lắm. Cũng tại Hà Nội, từ vị trí bạn, anh Minh trở thành thầy giáo của tôi, có lẽ là "phụ giáo" thì đúng hơn vì anh chuyên dạy tôi tập viết và đọc rồi kể truyện Tàu cho tôi nghe. Anh Minh rất kiên nhẫn và chìu "học trò", để khuyến khích tôi chịu khó tập viết, anh bỏ công lấy lông ngỗng vót thành ngòi bút để tôi thấy viết chữ cũng như một trò chơi. Vì tôi đánh vần còn chậm nhưng lại thích truyện Tầu, anh Minh "hy sinh" đọc trước rồi kể lại cho tôi nghe, anh kể truyện hấp dẫn và có trí nhớ rất tốt, tôi đã không mất công đọc mà còn tha hồ quay lại coi chi tiết các đoạn cũ ...Ngoài vai trò Thầy Giáo, anh Minh và anh Long hồi đó cũng đóng vai "thần hộ mạng" cho tôi. Do phần nào ảnh hưởng của truyện Tầu, hồi nhỏ chúng tôi có xu hướng hay đánh nhau với trẻ lối xóm, nhất là khi tôi được đi giữa anh Long và anh Minh thì không còn biết sợ ai nữa, có nhiều lúc hai anh bị lôi vào vòng chiến chỉ vì chú em anh hùng rơm. Tính hiếu chiến của tôi chỉ bớt đi sau một lần ba anh em chúng tôi thất bại khi bầy kế nhử "địch" ra đánh. Hai anh nấp ở đầu đường, còn tôi thì một mình tới trước nhà đối phương khiêu khích để nhử cho thằng bé đó ra ngoài, nó "trúng kế" nên chạy ra đánh tôi một trận nên thân, xô té xuống cống rồi chạy trở lại vào trong nhà. Khi 2 anh chạy tới tiếp cứu thì trận đánh đã kết thúc, chỉ còn dìu chú em quần áo lấm bùn bê bết, vừa đi vừa khóc trên đường về nhà. Từ đó tôi cũng bớt dám khiêu khích mọi người vì đã trải qua kinh nghiệm là không có sự bảo vệ nào là toàn hảo cả.
Sau 2 năm sống tại Hà Nội, anh Minh, anh Long và tôi được theo học lớp chữ Nho tại Đền Ngọc Sơn vào mỗi sáng Chủ Nhật do Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức, lớp học đủ mọi lứa tuổi được giảng dậy bởi một Nhà Nho uyên bác là cụ Tử An Trần Lê Nhân, tác gỉa tập Cổ Học Tinh Hoa. Lối dậy học của cụ Tử An rất khoa học và dễ hiểu, nhưng một chi tiết khác đặc biệt về cụ mà tôi nhớ mãi là cụ cho các học trò tự quyết định lúc nào thì hết giờ ra chơi để trở lại lớp học, vì vậy mà chúng tôi có những giờ chơi kéo dài cả tiếng mỗi tuần để chạy chơi quanh Đền. Lúc này tôi không còn là cậu bé ngờ nghệch từ quê ra tỉnh nữa và đã trở nên khá tinh khôn. Đám học trò nhỏ chúng tôi chia làm 2 phe chơi nấp bắn nhau, lớn nhất là anh Minh, tôi tuy nhỏ nhưng Trời cho khéo tay hơn cả, nên đã làm súng cung cấp cho cả 2 phe, khẩu súng tốt nhất bao giờ cũng dành cho anh Minh. Tôi không ngờ hơn 30 năm sau tôi cũng được giao một trách nhiệm gần như vậy đối với đoàn quân Đông Tiến...
Vào tháng 7/1954 gia đình chúng tôi di cư từ Bắc vào Nam, anh Minh di chuyển với Đoàn Sinh Viên Đại Học Hà Nội. Vào tới Miền Nam một thời gian ngắn, anh giã từ đời sống sinh viên để nhập ngũ binh chủng Hải Quân, tôi ít gặp anh nhưng mỗi lần anh về phép cùng các bạn là niềm vui cho cả gia đình. Anh Hoàng Cơ Minh là mẫu mực người con hiếu thảo trong gia đình, hơn thế nữa, anh có lối biểu lộ tình cảm rất tự nhiên và chân thành, thân mẫu tôi rất thương anh, có thể nói là thương nhất nhà cũng không quá. Cả gia đình không ai ganh tỵ với anh vì chẳng ai... làm được như anh. Chúng tôi vẫn gọi đùa anh là ông "Lão Lai", một nhân vật trong sách Nhị Thập Tứ Hiếu, vào tuổi 70 còn nhẩy múa để làm trò vui cho Cha Mẹ. Không những với thân mẫu chúng tôi, ngay cả người giúp việc trong nhà cũng thích nấu ăn cho anh. Có món gì vừa miệng là anh trầm trồ khen ngợi, ăn thêm tới 2, 3 chén cơm, khiến người làm bếp cũng thấy bõ công và... mát ruột.
Vào khoảng năm 1956, anh Hoàng Cơ Minh đang tham dự hành quân tại Cà Mau thì được kêu đột ngột về Sài gòn, gia đình rất vui nhưng cũng ưu lo vì lực lượng quan trọng của Bình Xuyên rút từ Sài gòn Chợ lớn vẫn đang chiếm cứ vùng Rừng Sát, đe dọa thủy lộ dẫn vào cảng Sài gòn. Ai cũng đoán sớm muộn cũng sẽ có đụng độ quan trọng. Đoàn giang thuyền của anh Minh vừa về tới vùng Bình Lợi thì vài thủy thủ đi phép không biết vì phạm lỗi gì đã bị đồn cảnh sát tại Thị Nghè bắt giam. Anh Minh đã giải quyết vấn đề theo cách của một ông Thiếu Úy trẻ vừa trở về từ tiền tuyến, anh đã mang một đơn vị tới vây đồn cảnh sát đòi thả ngay các thuộc cấp đang bị nhốt tù với một lý do rất đơn giản: Chỉ có quân cảnh mới được quyền bắt nhốt lính, cảnh sát không có quyền đó. Lập luận này đã được hậu thuẫn bằng một toán lính vừa từ mặt trận về vũ khí đằng đằng nên cảnh sát đành nhượng bộ. Anh Minh rất hài lòng vì kết qủa “không tốn một viên đạn” và thủy thủ đoàn của anh đã không thiếu một ai khi ngày hôm sau đoàn tầu được lệnh tiến vào Rừng Sát tham gia chiến dịch Hoàng Diệu.
Tuy nhiên, luật vẫn là luật, sau chiến thắng Rừng Sát gần một năm, câu chuyện vây đồn cảnh sát Thị Nghe tưởng đã hoàn toàn là quá khứ, nhưng không, anh Minh đã bị triệu tập tới Toà Án và bị… tống giam ngay hôm đó vì tội “phá rối trị an” trước đó một năm. Anh không hề bị tạm giữ tại một quận cảnh sát nào đó mà bị giam vào khám Chí Hoà. Câu chuyện xẩy ra như sét đánh ngang tai, chưa bao giờ tôi thấy thân mẫu của tôi đau buồn đến như vậy. Các bạn trong Hải Quân của anh Minh hồi đó đều còn ít tuổi và không có kinh nghiệm giao thiệp với guồng máy tư pháp nên chúng tôi không biết nhờ cậy vào ai. Đến bây giờ nghĩ lại tôi không hiểu tại sao trong thời gian mới bị giam, trong gia đình không ai nghĩ tới việc liên lạc nhờ Luật Sư Hoàng Cơ Thụy là ông anh con Mẹ Già của tôi. Mãi sau này, khi ra Toà xử án, lúc đó Luật Sư Thụy mới chính thức phụ trách bào chữa. Vậy mà khi hay tin này, có người bà con còn lật đật tới khuyên không nên, vì vào thời gian đó anh Hoàng Cơ Thụy đã bị coi là một chính khách đối lập với chính quyền Ngô Đình Diệm, sợ rằng anh Minh sẽ bị án tù nặng vì lập trường chính trị của anh Thụy. Theo lời yêu cầu của anh Minh, gia đình không ai tham dự phiên toà, ngoại trừ tôi đến để quan sát. Anh Minh xuất hiện trước Tòa trong y phục đại lễ Hải Quân, thái độ kính cẩn nhưng không sợ sệt. Phiên tòa đã diễn ra một cách ôn hoà, công tố viện không kết án gay gắt và anh Thụy hôm đó đã bào chữa rất hùng hồn. Cuối cùng Tòa đã tuyên án tương đối nhẹ, anh Minh được trả tự do ngay vì thời gian tạm giam đã lâu hơn bản án.
Việc bị “bỏ tù” của anh Minh không phải là điều hoàn toàn không hay, trong khám Chí Hoà anh đã có dịp làm quen với nhiều chính khách nổi tiếng cũng bị bắt giam cùng thời như các ông Trần Văn Ân, Hồ Hữu Tường… và còn có thì giờ viết hồi ký của anh về trận đánh Bình Xuyên trong Rừng Sát và học thi đậu một chứng chỉ Luật năm đó. Anh cũng có nhiều kỷ niệm trong tù kể hoài không hết. Mỗi khi có mặt Mẹ tôi mà nói chuyện “hồi anh Minh ở tù” hay “hồi anh Minh bị nhốt trong Chí Hoà” là cụ rất khó chịu, bạn bè và anh em thường nói trại ra là “hồi anh Minh đi nghỉ mát” để khỏi làm cụ chướng tai…  
Vào năm 1960, anh Minh và tôi chia tay nhau một thời gian dài, anh Minh qua Monterey, California tu nghiệp còn tôi thì được học bổng đi Pháp. Thời gian tôi du học bên Pháp không được sống gần anh Hoàng Cơ Minh, nhưng vẫn còn nhớ hộp thuốc lá pipe 79 anh gửi làm quà cho tôi từ bên Mỹ, anh còn hẹn sẽ tiếp tế đều đặn cho tôi khiến tôi phải dứt khoát từ chối để anh khỏi mất công quá đáng, vì thuốc lá này bên Pháp tuy khá đắt nhưng cũng có cách mua được. Một điều đặc biệt ở anh Minh và sau này cả ở chị Bích Vân, hiền thê của anh, là cả hai anh chị đều rất thảo, cá nhân tôi đã từng nhận được những món quà hậu hĩnh từ anh chị khi mà đồng lương của họ chẳng là bao nhiêu. Các con tôi đều rất vui thích mỗi khi nhận tiền mở hàng đầu năm của bác Minh, vì nó thường nhiều bằng 3 lần từ bất cứ đâu tới...
Tôi từ Pháp về nước vào năm 1968, sau biến cố Tết Mậu Thân, lúc đó anh Minh đã lập gia đình, cả 3 anh em (anh Minh, Hoàng Cơ Trường và tôi) đều ở chung dưới mái nhà của Mẹ tôi ở đường Phan Kế Bính. Mới đặt chân tới Sài gòn được 2 tuần thì là trận Tổng Công Kích đợt 2, địa điểm giao tranh chỉ cách nhà cỡ 1 Km. Hôm đó Hoàng Cơ Trường trực trong bệnh viện, tôi ngồi cạnh anh Minh nghe các loại súng nổ, mỗi lần hỏi anh tiếng súng đó là của phe ta hay Việt cộng, anh thường trả lời… của Việt cộng khiến tôi cảm thấy cồn cào trong dạ. Tôi đã mất thói quen nghe tiếng súng từ 8 năm qua, nhất là tiếng súng của địch chỉ cách đó không xa.
Về Việt Nam được hơn 1 năm, tôi bắt đầu có những thảo luận dài với anh Minh và chú Trường về thời cuộc. Tuy hoạt động trong ngành khoa học, nhưng liên tục từ năm 1963 tôi có tham dự các sinh hoạt chính trị của sinh viên và đồng bào tại Pháp. Tôi ở trong một nhóm chống cộng, nhưng lại không ủng hộ chính phủ Nguyễn Cao Kỳ theo “tiêu chuẩn Quốc Gia” thời bấy giờ nên đối với đồng bào trong nước thì có vẻ… “thiên tả”. Cũng may tôi sống chung mái nhà với một Trung Tá Hải Quân và một Trung Úy Y Sĩ Thủy Quân Lục Chiến nên không bị loại ngộ nhận đó và chỉ một thời gian ngắn sau, 3 anh em chúng tôi cùng lập ra một tổ chức chính trị không công khai và cũng chưa có cơ chế, tên là “Lực Lượng Quần Chúng Việt Nam Tự Giải Phóng”. Gs Trần Tuấn Nhậm, nay đã mất, là một đồng chí của chúng tôi. Anh Nhậm còn rành về nghề in, anh mua chữ bằng chì và đã dậy chúng tôi sắp chữ để in bản Cương Lãnh. Sau 30/4/1975 anh em phân tán mỗi người một nơi và không còn tiếp tục hợp tác, một trong những người trong tổ chức hồi đó nay được biết tới nhiều là Bs Nguyễn Đan Quế.
Tôi trở lại làm việc và gần gũi mật thiết với anh Hoàng Cơ Minh vào năm 1979 khi được anh giao cho trách nhiệm nghiên cứu thực hiện một hệ thống phát thanh đặt tại vùng biên giới Thái Lào đủ công suất để nghe được ở trong nước. Tôi không phải là một chuyên gia về điện tử, nhưng vẫn được anh Minh tín nhiệm vì... chẳng biết nhờ ai, vả lại anh căn cứ vào thành tích hồi nhỏ tôi có ráp được một máy thâu thanh 1 đèn (vào đầu thập niên 50 radio còn chạy bằng đèn), anh bảo "Nhỏ mà làm được máy thâu thanh thì lớn làm được máy phát thanh". Tôi đã đáp lại được lòng tín nhiệm của anh sau 3 năm nghiên cứu, hệ thống phát thanh của đài Việt Nam Kháng Chiến do tôi thực hiện đã chính thức hoạt động vào ngày 27/12/1983. Trong suốt thời gian Đài hoạt động, chúng tôi không dám đề cập gì tới thành quả kỹ thuật này vì luật của Thái cấm không cho phát thanh trên lãnh thổ của họ và địch có thể phá hệ thống phát thanh dễ dàng. Tôi cũng còn nhớ vào lúc Đài sắp hoạt động thì một nhân vật chống cộng nổi tiếng thời bấy giờ có chỉ trích Mặt Trận rất nặng lời là vì ông ta thấy Mặt Trận đã không lo làm sao có được phương tiện phát thanh. Ông ấy không biết rằng, tướng Hoàng Cơ Minh đã nghĩ tới và tìm cách giải quyết vấn đề này từ 3 năm trước, và khi ông ta lên tiếng phê bình thì các phương tiện trang bị đã có tại chỗ.
Trong thời gian anh Minh hoạt động tại Đông Nam Á, tôi thường là người lo đón anh mỗi khi anh trở qua Hoa Kỳ, lần nào anh cũng đau nặng vì chứng sốt rét. Cứ mỗi lần như vậy là hai ông “bạn già” của anh là Bác Sĩ Võ Tư Nhượng và Giáo Sư Nguyễn Tư Mô lại lặn lội lái xe 5 tiếng đồng hồ từ Nam Cali lên thăm anh. Dường như Bác Sĩ Nhượng có tiếng cười trị bá bệnh, khi có mặt Bác Sĩ thì anh Minh khoẻ mạnh hoàn toàn, nhưng tiễn Bác Sĩ Nhượng và Giáo Sư Mô ra về rồi là… chứng nào tật nấy, chỉ khổ cho “y tá” Hoàng Cơ Định. Tôi làm thêm việc y tá để lo sức khoẻ cho anh, nói là "lo" nhưng ngoài chuyện chuyền nước biển cũng chỉ quanh quẩn bóp đầu cho anh bớt nhức. Nhiều khi tôi cầm gọn trong bàn tay vầng trán nóng và dấp mồ hôi của anh mà lòng ưu lo khôn xiết, tôi biết tôi đang nắm trong tay nguồn nghị lực vô bờ, là trí tuệ dẫn dắt cả công cuộc đấu tranh mà bệnh hoạn có thể cướp đi bất cứ lúc nào! Những lúc đó tôi lại ao ước được trở lại 40 năm trước, hai anh em cùng đi trên các bờ ruộng của làng Đa Lộc. Anh Minh không có thói quen dắt tay hay khoác vai khi hai anh em cùng đi với nhau, anh thường "dắt" tôi bằng một bàn tay rất lớn đặt lên gáy và nắm gọn cổ chú em. Bằng cách đó tôi buộc phải đi nhanh bằng anh, mà nếu có vấp cũng chẳng có thể té.
Sau khi biến cố Nam Lào xảy ra vào cuối năm 1987, chúng tôi làm mọi cách để tìm kiếm tin tức của anh và các chiến hữu trong đoàn quân Đông Tiến. Mỗi lần ghé Washington DC tôi thường đến thăm 2 người bạn cũ của anh là các ông Richard Armitage và James Kelly, cả hai đều có vị trí quan trọng trong hành pháp Hoa Kỳ và hy vọng có thể giúp trong những liên hệ với Thái Lan. Gia đình ông Kelly là bảo trợ của gia đình anh Minh khi mới tới Mỹ, hai bên thân và quý nhau như bà con trong họ. Armitage là bạn cũ của anh Minh từ Việt Nam, hai người cùng có vai trò quan trọng trong việc triệt thoái đoàn tầu của Hải Quân rời khỏi Việt Nam vào tháng 4/1975. Richard Armitage là một nhân vật đặc biệt trong chính trường, nói tiếng Việt hoạt bát và có tên tiếng Việt là Phú. Anh Minh có kể lại cho tôi một mẩu đối thoại trong lần gặp anh Phú, lúc anh Minh sắp qua Thái Lan thảo luận để lập khu chiến:
- Ông Phú! Ông đi đâu mà lâu lắm tôi không gặp ông?
- Thì làm sao tôi dám gặp ông khi trong tay tôi chẳng có gì để tặng ông!
- Thế trong tay ông hôm nay có cái gì đây?
- Trong tay tôi vẫn chẳng có gì cả, nhưng tôi vẫn gặp ông vì điều ông cần ở tôi thì… ông đã có rồi! 
Sau này, một lần trong chuyến công tác, trên đường về tôi có ghé Nhật Bản, ngồi quanh các chiến hữu, chúng tôi ôn lại kỷ niệm về anh, những kỷ niệm thời mới thành lập Mặt Trận. Một chiến hữu kỳ cựu có nhắc tới căn gác trọ năm xưa khi anh em trong tổ chức Người Việt Tự Do gặp Tướng Quân Hoàng Cơ Minh lần đầu tiên… Đột nhiên tôi có ý tưởng muốn viếng thăm căn gác đó dầu nhiều anh em cho rằng khu đó nay đã giải tỏa hay nếu còn thì người khác đang mướn, mình cũng chẳng vào được bên trong. Hôm sau tôi ra bến xe lửa sớm, cùng đi có chiến hữu Lý Thái Hùng, để tìm về nơi đã khai sinh ra Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Điều ngạc nhiên là khi tới nơi, cảnh vật vẫn như xưa, may mắn là căn phòng còn bỏ trống chưa có ai thuê, ông chủ căn phố còn nhận ra chiến hữu Lý Thái Hùng và mời cứ tự nhiên vào thăm… Chiến hữu Hùng không dấu được cảm động khi bước chân lên chiếc cầu thang nhỏ dẫn lên lầu. Anh nói: Tôi vẫn nhìn thấy hình ảnh Thầy đứng đón tôi ở cuối cầu thang trên kia… Tôi xin phép chiến hữu Hùng để được đứng đúng vào vị trí đó chụp một tấm hình kỷ niệm :


Anh Minh thường đứng đây để chào đón các chiến hữu vào những ngày đầu tiên thành lập Mặt Trận

Vào tới bên trong là một căn phòng trống trải, tôi có bầy tỏ cảm nghĩ này thì chiến hữu Hùng cho biết: Khi Thầy còn ở đây, căn phòng cũng không có đồ đạc gì khác, rồi anh chỉ vào một chỗ dưới sàn: Thầy thường ngồi đây, chỗ kia là Ngô Chí Dũng, tôi và Linh ngồi chỗ này… Một lần nữa tôi lại xin được ngồi vào vị trí của anh Hoàng Cơ Minh để cảm thông được sự cô đơn của con người tiên phong đi làm Kháng Chiến Giải Phóng Đất Nước, anh không có gì cả, ngoài tấm lòng son sắt đối với Tổ quốc và Đồng bào.

    
Tôi đã ngồi vào chỗ của anh Hoàng Cơ Minh để trong giây lát cảm nhận được nỗi cô đơn của con người đã vượt bao khó khăn đi tìm đường giải phóng Tổ quốc

Hôm nay ngồi viết lại vài dòng kỷ niệm về anh Hoàng Cơ Minh, tôi cố sắp xếp lại nhưng cũng vẫn thấy khó trình bầy vì anh vừa là một người anh lớn, một người bạn, một ông thầy và một vị lãnh đạo. Trong bốn vai trò này, tôi thấy vai trò một vị lãnh đạo là thích hợp hơn cả. Giữa anh và tôi không phải chỉ có tình anh em, kỷ niệm bạn bè, tương quan thầy trò, anh đã mở ra con đường cho tôi và hướng dẫn tôi để có thể tự vẽ ra đoạn đường tiến tới cho chính mình, thử hỏi còn tấm gương lãnh đạo nào đáng quý hơn?