9/29/2012

Bài học nào từ đảng Việt Tân

Trả lời một phần câu hỏi “Bài học nào từ đảng Việt Tân” 
 
Trên trang mạng DCVOnline mới đây, tác giả Mộc Lan đã có bài nhan đề: “Bài học nào từ đảng Việt Tân”. Mở đầu, Mộc Lan đã đề cập tới biến cố đã có trên 150,000 đồng bào ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư do Nhạc Sĩ Trúc Hồ và Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng kêu gọi để vận động Toà Bạch Ốc đặt nặng yếu tố tôn trọng nhân quyền trong việc giao thương với CSVN…

Cả 4 vấn đề từ Thỉnh Nguyện Thư tới Nhạc sĩ Trúc Hồ, Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng và Việt cộng đàn áp người dân tại Việt Nam đều là những đề tài đáng đề cập tới, nhưng ngạc nhiên là Mộc Lan chỉ dành cho những điều này chưa tới 3 dòng, còn lại toàn bài là viết về đảng Việt Tân. Như vậy thì quả nhiên là Việt Tân có nhiều điều đáng nói và bài của Mộc Lan có nhiều đoạn có thể (hay cần phải) đem ra thảo luận.

Trong lần này tôi chỉ xin góp ý vào 1 phần trong bài là phần đề cập tới nhóm được tác giả mệnh danh là “Việt Tân Trần Xuân Ninh” hoặc “Việt Tân Nguyên Trạng”. Điểm này nên được làm sáng tỏ, vì sớm muộn Việt Nam cũng phải theo thể chế đa đảng và người dân VN cần phải có một khái niệm hợp lý về thế nào là một chính đảng, khi nào 1 đảng bị tách làm hai và khi nào chỉ là một vài cá nhân rời khỏi 1 tổ chức.

BS Trần Xuân Ninh trước đây là một cán bộ cao cấp của đảng Việt Tân, vì bất đồng BS Ninh đã rời Việt Tân vào năm 2005, ông đã lập ra một tổ chức mới có tên là “Tâm Thức Việt Nam” .Tổ chức này có đường lối, có tiếng nói và chưa bao giờ họ tự mệnh danh là “Việt Tân Trần Xuân Ninh” hay “Việt Tân Nguyên Trạng”. Tại sao lại đặt tên cho họ, một loại tên không phản ánh đúng sự thực và có tác dụng tạo mâu thuẫn giữa BS Ninh và những người trong tổ chức “Tâm Thức Việt Nam” và giữa ông Trần Xuân Ninh và tổ chức cũ của ông là đảng Việt Tân.

Sở dĩ tôi khẳng định là chẳng hề có 2 đảng Việt Tân và BS Trần Xuân Ninh chỉ là một cựu đảng viên Việt Tân, ông đã rời Đảng và có những mâu thuẫn với các chiến hữu cũ. Tôi xin kể câu chuyện sau để chứng minh:
Cách đây đã 2 năm, nhân câu chuyện đảng viên Việt Tân xuất hiện phân phát nón và áo có ghi hàng chữ Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam tại trung tâm thành phố Hà Nội (vào ngày 14/3/2010), trên trang mạng 

Tâm Thức của BS Trần Xuân Ninh đã đăng một bài nhan đề “Đằng sau nón áo là gì”.

Trong bài này tác giả nêu lên nghi vấn (mà gần như xác quyết), rằng chuyện đảng Việt Tân phổ biến nón và áo “Hoàng Sa & Trường Xa của VN” tại trung tâm Hà Nội mà trót lọt, không ai bị bắt, thì đích thị là dụng tâm của CSVN để chuẩn bị một lá bài đối lập cuội. Bài đã được một số dư luận phụ họa đánh giá rất cao khả năng của CSVN và quả quyết mười mươi công tác tuyên vận đột xuất của Việt Tân tại Hồ Gươm chỉ là trò ma nớp của VC. Sự nghi ngờ và phỏng định có tính xúc phạm chắc chắn là có hại cho đảng Việt Tân và gây ảnh hưởng tiêu cực trên một số người…

“Tâm Thức VN” và một số người khác đã căn cứ vào sự việc không có đảng viên Việt Tân nào bị bắt khi phổ biến nón, áo Hoàng Sa & Trường Sa ở giữa thủ đô Hà Nội để cho rằng đã có sự cấu kết của Việt Tân với CSVN. Nhưng nếu Việt Tân có ai bị bắt thì chắc chắn không tránh khỏi những lời miệt thị, chê bai… theo kiểu khác. Đôi khi còn chế diẽu: “Giàn cảnh bị bắt để được nổi tiếng”.

Cá nhân tôi là một đảng viên Việt Tân, tất nhiên tôi cảm thấy bị xúc phạm khi có người, không phải chỉ nghi ngờ việc làm của Việt Tân, mà còn suy diễn thêm những điều không đúng và phổ biến rộng những suy nghĩ tiêu cực của họ ra công luận. Có bạn sẽ đặt câu hỏi: “Thế tại sao Việt Tân không chứng minh là đã làm thật, không phải vì được VC đồng ý và tại sao đã trót lọt ?”

(Trước khi trả lời ở phía dưới, thiết tưởng bà con cũng nên nhớ lại thực tế sau đây: Thời gian sau năm 1975, khi chế độ VC còn có khả năng kiểm soát chặt chẽ từng ký gạo, từng sinh hoạt hàng ngày của mọi người; nhưng có nhiều người đã mua được bãi bến tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn người khác vượt biên trót lọt thì cũng là do được chế độ VC đồng ý hay sao ? Cần nhắc lại điều này để thấy rằng VC chẳng phải là thần thánh.)

Câu trả lời là: Để thuyết phục một số người nghi ngờ về sự trót lọt của một số công tác VT thực hiện trong nước mà phải trình bầy cơ cấu, cách thức làm việc của tổ chức trong những công tác đó, trực tiếp cung cấp cho VC đầu dây mối nhợ để chúng truy lùng và thêm kinh nghiệm cho sự đối phó của chúng, thì có nên hay không? Vì vậy mà “đằng sau nón áo là gì ?” sẽ không có những con người chỉ vì tức khí hão để đi “thanh minh thanh nga” điều này điều nọ.
Đã là thành viên của một đảng đấu tranh thì cần biết điều gì nên nói ra và điều gì không nên nói. Chẳng phải riêng đảng VT mà bất cứ thành viên của đảng chính trị nào cũng đều biết điều sơ đẳng này.x Tuy nhiên câu hỏi “Đằng sau nón, áo là gì” vẫn là một câu hỏi khá hay và hôm nay tôi xin làm một điều ít khi tôi phạm phải từ trước tới giờ. Đó là nói ra sự thật về nguyên nhân khiến BS Trần Xuân Ninh đã rời bỏ các ch/h đã cùng sánh vai với ông trong suốt hơn 20 năm qua.

Vào cuối thập niên 70, đầu 80 Bs Trần Xuân Ninh là một người đầy nhiệt tình với đất nước, ông là người được Tướng Hoàng Cơ Minh vô cùng kính trọng và chính tôi đã đến Chicago để mời Bs Ninh tham gia Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Trong 20 năm chúng tôi chiến đấu bên nhau, từ khi còn là Mặt Trận Kháng Chiến và sau này khi chuyển qua Việt Tân, Bs Ninh luôn luôn là một trong số những người lãnh đạo ở vị trí cao nhất.

Vị trí lãnh đạo của Bs Ninh, cũng như của nhiều anh em tham gia từ đầu dần dần bị soi mòn khi Việt Tân công khai hoá với những cơ cấu và hệ thống điều hành rõ rệt của một chính đảng. Trong cơ cấu này, những ai ở trong bộ phận lãnh đạo đều có thẩm quyền tương đương. Những quyết định quan trọng được lấy qua thể thức đầu phiếu. Đường lối của Đảng không còn chỉ tùy thuộc vào một số cá nhân đã tham gia từ những ngày đầu như trước đây mà các nhân sự ở vị trí lãnh đạo đều do toàn thể đảng viên bầu chọn công khai. Mâu thuẫn khởi đầu của Bs Ninh với những người còn lại trong ban lãnh đạo Việt Tân là việc quyết định về thái độ của Đảng đối với những người ở trong nước đang có những phát biểu hay hành động đối kháng với Nhà Nước Việt cộng.

Trong khi tất cả những người còn lại trong ban lãnh đạo chủ trương cộng tác với các nhân sự hay nhóm đối kháng trong nước, riêng Bs Ninh thì chỉ chấp nhận hợp tác với những ai không có một chút dính líu gì với Việt cộng từ trước tới nay. Ông đã không chấp nhận quyết định của tuyệt đại đa số trong ban lãnh đạo, từ đó đã có những vi phạm kỷ luật áp dụng cho tất cả các chiến hữu đoàn viên của ông trong 20 năm qua. 

Ông Trần Xuân Ninh là Ủy Viên Trung Ương Đảng duy nhất đã ra khỏi Việt Tân vào năm 2005 . Điều đáng tiếc là ông tự coi mình là “chính thống”, đã gọi toàn bộ ban lãnh đạo của Đảng là “Việt Tân Chệch Hướng” hay “Việt Tân cánh Nguyễn Kim, Lý Thái Hùng, Đỗ Hoàng Điềm”. Hoạt động chống cộng của ông Ninh là mở ra một trang nhà có tên là “Tâm Thức Việt Nam” và dùng mọi cơ hội để chụp mũ cho đảng Việt Tân mà ông ta đã rời xa là “hoà hợp hoà giải với Việt cộng” !

Trước khi phổ biến bài “Đằng sau nón, áo là gì ?” vào ngày 26/3/2010, 
( http://www.tamthucviet.com/articleview.aspx?artId=%C5%B8D%15 )

Một tuần trước đó, trong mục “Bàn Chuyện Thời Sự giữa BS Trần Xuân Ninh, Đan Tâm và Tuệ Vân” ( http://www.tamthucviet.com/articleview.aspx?src=6&artId=%C5%B8D%14X ) Ông Ninh đã cáo buộc việc phổ biến nón, áo HS.TS.VN rằng “nhất định là hành động này phải được sự cho phép của nhà cầm quyền VN rồi”.

Nếu có ai để ý theo dõi tài liệu của đảng Việt Tân trong những năm qua, thì sẽ không thấy bài nào công kích hay phê bình Bs Ninh, vì VT không chủ trương như vậy; nhưng, như vừa nói ở trên, đáng tiếc là BS Trần Xuân Ninh đã quay trở lại kịch liệt công kích tổ chức ông đã rời bỏ. Có lẽ đây cũng chỉ là phản ứng như một số người khác, công kích tổ chức cũ (dù đúng hay sai) vẫn thường là một cách để biện minh cho sự ra đi của mình.

Một câu hỏi đặt ra cho ông Trần Xuân Ninh là, nếu quả thật ông là một người chống cộng không đồng ý với đường lối đấu tranh bất bạo động của đảng Việt Tân, thì việc làm hợp lý nhất là hãy thực hiện những điều mà ông cho là đúng hơn, hữu hiệu hơn, để làm sao chấm dứt sự thống trị của đảng Cộng Sản lên dân tộc Việt Nam. Việc gì mà cứ phải từ năm này qua năm khác tìm cách gán cho tổ chức ông đã rời bỏ là tay sai Việt cộng ?

Theo đạo Phật, kẻ thù lớn nhất của con người chính là lòng tự cao, tự ái. Nhìn vào con người và việc làm của ông Ninh, tôi thấy rõ lòng tự cao và tự ái đã có tác dụng tai hại như thế nào.

Tôi không trách ông Ninh khi đương sự có quan niệm “Một ngày là cộng sản, mãi mãi là quân thù”. Dù không đồng ý, nhưng tôi tôn trọng quan điểm cá nhân đó. Nhưng chống cộng theo kiểu bám theo những chiến hữu cũ của mình để chụp mũ cho họ là tay sai Việt cộng thì không nên, vì nó chỉ làm tản lực đấu tranh trong nỗ lực chấm dứt chế độ VC và xây dựng dân chủ cho VN.

Nếu bảo rằng Việt Tân chỉ là cò mồi cho Việt cộng, và như sự phụ họa ngày 19/3 của ông Trần Xuân Ninh rằng: “nếu VC mà cho VT Đỗ hoàng Điềm phát áo, mũ có mấy chữ Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam thì cũng chẳng hại gì, vì không có nghĩa gì, nếu không giải thích.”

Tôi xin sẵn sàng tặng một cái nón, áo “HS.TS.VN” và 1 vé máy bay với chi phí ăn ở trong 3 ngày để về thăm Hà nội cho ông Trần Xuân Ninh hay bất cứ ai khẳng định như vậy. Điều kiện chỉ là xin đội nón và mặc áo HS.TS.VN đi chơi 45 phút quanh Hồ Gươm. Đề nghị rằng “hãy làm để chứng tỏ”, chứ chẳng nên lập lại hay phổ biến những điều mà VC cũng đang cố thực hiện ở hải ngoại.

Hoàng Cơ Định
(Nội dung bài viết đã được trích ra từ bài “Đằng sau nón áo là gì”, được phổ biến rộng rãi cách đây 2 năm và đã được gửi đến Diễn Đàn Tâm Thức VN ngày 29/3/2010, nhưng đã không nhận được trả lời phản luận của Bs Trần Xuân Ninh).


1 nhận xét:

  1. Đối với tôi, bài viết rất thuyết phục. Xin cảm ơn tác giả Hoàng Cơ Định. Đây là những điều mà tôi chưa có dịp được biết trước đây, nên tôi đọc rất thú vị.
    Quang Nguyen 9/17/13

    Trả lờiXóa