2/17/2011

Lời kêu gọi 17 tháng 2

Thưa quý vị và các bạn 

Cách đây hơn 30 năm, vào ngày 17/2/1979 bọn Bá Quyền Bắc Kinh đã mở cuộc tấn công xâm lược quan trọng nhất từ 2 thế kỷ qua dọc theo biên giới Việt Bắc của nước ta, làm thiệt mạng hàng ngàn đồng bào và binh sĩ. Cuộc xâm lăng này đã chấm dứt ảo tưởng về một tương quan thân hữu nhờ văn hóa tương đồng giữa 2 quốc gia. Để không uổng phí xương máu của đồng bào đã hy sinh bảo vệ lãnh thổ, nhân ngày 17 tháng 2, chúng ta nên có một quyết định rõ rệt là không tiếp tục bị che mắt bởi huyền thoại “văn hóa tương đồng”, cần phân biệt rõ ràng đâu là Việt và đâu là Tàu, chấm dứt từ nay thói quen gọi tên người Tàu theo âm và nghĩa của tiếng Việt.

Trong những thế kỷ trước đây, vì người Việt chúng ta sử dụng chữ Hán (chữ Tàu), chỉ có cách phát âm là khác, chữ này còn gọi là chữ Nho, vì vậy mà tên người và địa danh bên Tàu đều đọc theo âm Việt. Ngày nay chúng ta không dùng chữ Nho nữa mà dùng chữ Quốc Ngữ viết bằng mẫu tự La Tinh và cũng chỉ rất ít người đọc được chữ Tàu, nhưng vẫn duy trì thói quen đọc tên Tàu theo âm Việt. Thói quen này rất bất tiện cho việc theo dõi tin tức báo chí và tài liệu ngoại quốc viết về nước Tàu vì trong các bản văn này, tên người và địa danh đều viết theo lối phát âm của người Tàu theo quy ước phiên âm Pin Yin. Không lý do gì chúng ta duy trì lối viết tên của người nước khác theo thói quen của mình, chỉ có mình hiểu mà thôi. Việc gọi tên người và địa danh của Tàu theo đúng lối phát âm của họ còn giúp ích cho việc giao dịch với người dân địa phương khi có dịp viếng thăm nước này.

Thực tế nhất là chỉ trong những tài liệu về văn hóa và lịch sử trước đây thì mới tiếp tục duy trì lối phát âm Việt Hán để gọi tên người Tàu (thí dụ Khổng Minh, Mã Viện, Lý Bạch, Trương Phụ..), còn trong các bản tin và tài liệu viết về nước Tàu ngày nay thì tên người và địa danh nên dùng đúng theo lối phát âm của họ là hơn. Trong thời gian đầu, nếu muốn, bên cạnh danh từ viết theo lối Pin Yin, có thể để thêm tên theo âm Hán Việt trong ngoặc đơn tỷ như: Deng Xiao Ping (Đặng Tiểu Bình), Yang Zi Jiang (Dương Tử Giang), Hu Jin Tao (Hồ Cẩm Đào), Bei Jing (Bắc Kinh).

Hiện nay, theo chỗ chúng tôi được biết thì có thể dùng nhiều lối phiên dịch qua computer hoặc dùng từ điển về nhân danh, địa danh của Tàu để tìm kiếm các danh từ cần biết. Một trong các cuốn từ điển thông dụng là cuốn của học giả Hoàng Xuân Chỉnh xuất bản vào năm 2000.

Để tạo được sự thay đổi cần thiết trình bầy ở trên, phải cần tới sự hưởng ứng của quý vị trong báo giới, văn giới và trong ngành giáo dục. Rất mong quý vị sẽ là những người đi đầu, sử dụng lối viết tên người Tàu theo quy ước Pin Yin trong các bài viết của quý vị để hướng dẫn cộng đồng và xã hội thực hiện sự thay đổi cần thiết.

Chào quí bạn hữu, Hy vọng bạn đã đồng ý với chúng tôi.

Hoàng Cơ Định và bạn hữu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét