10/01/2013

Cần thay đổi thói quen gọi tên ngoại quốc để mở rộng tầm nhìn của dân tộc

Đồng bào chúng ta thường có thói quen gọi tên người hay địa danh Tàu theo âm tiếng Việt và viết tên Tây theo lối nói và cách viết chữ Việt Nam. Đây là một thói quen tai hại vì sẽ giới hạn sự hiểu biết của người Việt về nước Tàu và thế giới vì khi đã quen tên và địa danh qua một số bài viết bằng Việt ngữ, đồng bào sẽ bị lạc lõng khi đọc các tài liệu ngoại ngữ, từ đó sẽ chỉ ưa đọc và hiểu được về nước ngoài qua bài viết của một số nhỏ người Việt đóng vai trò thông ngôn lại cho cả dân tộc.

Thói quen bất lợi nói trên bắt nguồn từ mối tương quan giữa nước Ta và nước Tàu.
Mấy thế kỷ trước chúng ta dùng Hán Tự, cùng lối viết với Tàu, Tàu phát âm theo kiểu Tàu, Ta đọc theo âm Việt Nam, gọi là âm Hán Việt. Qin Shi Huang của Tàu, âm Hán Việt đọc là Tần Thủy Hoàng, Zhu Ge Liang Ta đọc thành Gia Cát Lượng, Liang Shan Bo Ta đọc thành Lương Sơn Bá vv... 
Nhưng sự việc không ngừng lại ở đây.
Câu chuyện chữ Hán do người Tàu viết, người Ta đọc trở thành bi hài với các tên ngoại quốc do người Tàu phiên âm. Danh từ Uighur nghe qua cái tai của người Tàu, đọc lên bằng miệng của người Việt sẽ thành Ngô Duy Nhĩ và Yugoslavia trở thành Nam Tư Lạp Phu !!!
Từ bi hài vấn đề trở thành tai họa khi người Việt không còn dùng Hán tự nữa và Trung Quốc bắt đầu sử dụng mẫu tự La Mã trong phương thức phiên âm PinYin của họ.  Độc giả Việt Nam trở nên mù tịt với các tên người và địa danh Trung Quốc viết theo Pin Yin trong các tài liệu Anh ngữ , Pháp ngữ và cả bằng Hoa Ngữ pha lẫn PinYin nữa. Những tên Tàu quen thuộc như Lỗ Tấn, Lý Bạch, Sơn Đông, Thẩm Quyến, Tứ Xuyên … chỉ còn trong sách cổ. Quen thuộc với tên viết theo âm Hán Việt trên bản đồ cũ của Trung Quốc, khi nghe quốc tế loan tin bên Tàu động đất sẽ chẳng hình dung được là động đất tại đâu.
Một sự kiện quan trọng khác là tình hình nước Tàu nay đã thay đổi vô cùng so với thế kỷ trước. Trước đây nếu biết được khoảng 1 ngàn tên người Tàu trong lịch sử hay văn chương là đã có thể tạm đủ. Nay sinh hoạt bên Tàu nở rộ và bùng phát ra toàn thế giới, mỗi tháng có thêm cả ngàn tên mới trong các lãnh vực khoa học, kinh tế, quân sự, chính trị… làm sao chuyển kịp ra âm Hán Việt để người Việt nói và nghe cho êm tai !
Câu hỏi đặt ra là tại sao không đọc tên người và địa danh của Tàu theo cách của cả Tỷ người Tàu và nhân loại trên thế giới hiện nay. Nguyên thủ của Trung Quốc hiện nay là Xi Jinping thì tại sao lại lập dị gọi ông ta là Tập Cận Bình, nói lên cả nước Tàu và Thế giới chẳng biết là ai, cùng lắm có vài triệu người VN biết mà thôi.
Xin chấm dứt gọi tên và địa danh của Tàu theo âm tiếng Việt, không làm ngay thì tới bao giờ mới làm?
Một thói quen khác của Ta (nhất là phía Việt cộng), là gọi tên người Tây theo cách nói và viết của người Việt Nam, gọi là lối phiên âm.
Với một trang báo thời sự đầy dẫy các tên người và địa danh viết như sau: Ba-rắc Ô-ba-ma, Vích-to Y-a-nu-cô-vích, U-crai-na, Ki-ép, Crưm, Mát-xcơ-va, Oa-sinh-tơn, Bô-rư-xpin … Độc giả sẽ bị cách ly với thế giới bên ngoài.
Có thể thiện ý của những ai chủ trương lối viết này là để giúp cho “giới bình dân” dễ đọc, sự dễ dãi này sẽ làm cả nước thành “bình dân”, bị … dốt đi và tự giam mình trong 1 không gian giới hạn. Ngày nay, không thể nào khác hơn là sử dụng lối viết quốc tế. Nếu không phải là những danh từ đã quá quen thuộc như Pháp Quốc, Nhật, Hoa Kỳ thì xin dùng thẳng tên viết theo lối Anh ngữ, cả thế giới đang dùng. Có như vậy người dân mới có điều kiện tìm hiểu chuyện quốc tế qua các nguồn thông tin rộng rãi, mà không phải chỉ đọc các bản tin do một số người VN viết lại. Một số tên người và địa danh viết bằng Anh ngữ lúc đầu đọc sẽ khó, cố gắng dùng vài lần sẽ quen.
Người dân Việt Nam cần luyện thói quen học một số điều mình chưa biết.
Vấn đề còn lại là làm thế nào để người Việt (cả mấy chục Triệu) từ bỏ thói quen gọi tên người hay địa danh Tàu theo âm tiếng Việt và viết tên người Tây theo lối nói và cách viết chữ Việt Nam. Việc làm này không dễ dàng nhưng không phải là không có cách, vì để tạo sự thay đổi này chúng ta không cần thuyết phục cả khối quần chúng độc giả mà chỉ cần vận động một số nhỏ người viết, vấn đề vì vậy sẽ bớt khó đi nhiều... Tuy nhiên dầu có dễ hơn nhưng vẫn cần nỗ lực, thời gian và sự hợp tác của một số người có cùng quyết tâm.

Hoàng Cơ Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét