8/13/2013

Chung quanh chuyến Mỹ du của phái đoàn Trương Tấn Sang vào ngày 25 tháng 7 năm 2013



Hôm nay là ngày 10/8/2013, vào lúc chúng ta thử nhận định về chuyến Mỹ du của Trương Tấn Sang cách đây chưa đầy 3 tuần thì có tin hãng thông tấn Kyodo loan báo nguồn tin chính phủ Nhật cho biết nước này dự kiến mời ông Sang qua thăm Nhật theo nghi thức quốc khách vào tháng 3 năm tới.
Theo Kyodo, với lời mời làm quốc khách, nghi thức cao nhất dành cho một lãnh đạo nước ngoài, Nhật Bản rất mong muốn thắt chặt mối quan hệ với Việt Nam trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực đang có nhiều thay đổi nhanh chóng. Tờ báo cũng nhắc đến việc Nhật và Việt Nam đều đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc lần lượt trên Hoa Đông và Biển Đông.
Tuy cuộc viếng thăm Nhật Bản của TTS không có tính cách dồn dập như hai chuyến công du Indonesia và Hoa Kỳ, chỉ vài tuần sau chuyến viếng thăm Trung Quốc, việc thông báo chuyến đi vào thời điểm này cũng là sự kiện có ý nghĩa.
Trong tương quan của VN với các quốc gia khác, liên hệ với Trung Quốc có tầm quan trọng đặc biệt vì nó đã trở thành một hình thức lệ thuộc quá đáng. Tuy nhiên trong chuyến viếng thăm vào tháng 6/2013, mức độ lệ thuộc này đã trở nên tuyệt đối qua hình ảnh và nội dung bản Tuyên Bố Chung gồm có 8 điểm, trong đó riêng điểm 3 chứa đựng đến 13 mục quan hệ hợp tác vừa mở rộng vừa ăn sâu.



Hình ảnh Trương Tấn Sang tại Trung Quốc. Hình ảnh này ra sao, thiết tương chẳng cần bàn luận thêm.


Về bản Tuyên Bố Chung giữa VN và TQ, tại Điều thứ Sáu, TBC viết:

Hai bên nhất trí lấy năm nay - năm kỷ niệm 10 năm ASEAN và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, làm cơ hội để thực hiện toàn diện nhận thức chung mà lãnh đạo các nước ASEAN và lãnh đạo Trung Quốc đã đạt được, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 10 năm, không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, kết nối giao thông, hải dương, xã hội nhân văn..., đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.. 

Khi lấy dịp kỷ niệm 10 năm lập quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc để mở ra 1 kỷ nguyên mới thì Việt Nam nhân danh gì ? Một thành viên của ASEAN hay 1 thành viên của Trung Quốc ?
Chúng ta đã có câu trả lời rõ rệt tại một phần khác, cũng trong Điều số Sáu này, rằng VN đã bị coi và tự coi là 1 bộ phận của Trung Quốc !
 
Việt Nam đã thỏa thuận với Trung Quốc rằng "Hai bên nhất trí tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung Quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN vàTrung-Nhật-Hàn, Hội nghị cấp cao Đông Á..

Như vậy thì VN đâu còn được tự chủ trong việc đối ngoại nữa, thỏa thuận này trên thực tế có nghĩa là từ nay Hà Nội sẽ nhận chỉ thị của Bắc Kinh trong mọi quan hệ đối với ASEAN và các định chế chung quanh ASEAN và với cả Liên Hiệp Quốc; Nó biến Việt Nam thành nội ứng của Trung Quốc trong lòng ASEAN và một cách tự nhiên nó khiến các thành viên ASEAN nhìn Việt Nam như một kẻ phản trắc.
Và đó là chi tiết điển hình về Ngoại Giao trong tương quan Việt -Trung.

Nhìn qua lãnh vực quan trọng khác là lãnh vực Quốc Phòng. Tại Điều 3, TBC viết : 

Đi sâu trao đổi kinh nghiệm công tác Đảng và chính trị trong quân đội, tăng cường đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ. Thực hiện tốt “Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Trung Quốc”, tiếp tục triển khai tuần tra chung biên giới trên đất liền. Làm sâu sắc thêm hợp tác biên phòng trên đất liền và trên biển. Tăng cường trao đổi và điều phối trong các vấn đề an ninh đa phương khu vực. Trao đổi nghiên cứu hình thức mới, nội dung mới trong triển khai hợp tác quốc phòng, làm sâu sắc thêm hợp tác giữa quân đội hai nước.

Điều này cho thấy TQ đã nắm trong tay điều kiện kiểm soát chặt chẽ vấn đề quốc phòng của VN.

Như vậy thì bản Tuyên Bố Chung này có khác chi một hàng ước ? hay “hoà ước” nói theo ngôn ngữ ngoại giao. Để đổi lấy việc mất chủ quyền về  ngoại giao và quốc phòng, liệu VN được gì về kinh tế từ Trung Quốc ?
Sau chuyến đi Trung Hoa về, chủ tịch nước TTS đã đạt được 10 thỏa thuận hợp tác với Trung Hoa, trong đó, đáng lưu ý nhất là 2 gói tín dụng chưa tới 100 triệu đô la cho hệ thống thông tin đường sắt, và cho một nhà máy nhiệt điện với kỹ thuật lạc hậu. Chính vì kỹ thuật lạc hậu có thể gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường tại Ninh Bình, nên mới hôm 19/7/2013, Exim Bank của Hoa Kỳ đã từ chối hỗ trợ tín dụng khoảng 1,6 tỷ đô la cho nhà máy nhiệt điện này.
Trong khi Trung Quốc hứa về 2 gói tín dụng trị giá 200 Triệu đô la cho VN thì mỗi năm họ bội thu khoảng 10 lần nhiều hơn ( 16 Tỷ đô la) VN phải trả cho các khoản nhập cảng từ Trung Quốc.
Trong khi đó, ngư dân Việt vẫn bị hải quân Trung Quốc thường xuyên tấn công, xem các ký kết “hợp tác, tương trợ” này như không có.

Nếu như VN bị thua thiệt như vậy đối với Trung Quốc thì trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lại vô cùng thuận lợi cho VN, mang về cho Việt Nam 24 tỷ đô la trong năm 2012 trong tổng thương mai hai chiều 26 tỷ, chưa tính hơn 10 tỷ đô la hằng năm mà người Việt hải ngoại gửi về từ Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thuận lợi, đem lại thặng dư thương mại cho Việt Nam đồng thời quan hệ với Hoa Kỳ cũng quyết định quan hệ đối với Châu Âu, Nhật và các nước dân chủ khác. Ngoại thương với Hoa Kỳ và các nước này chiếm sấp sỉ 80% ngoại thương Việt Nam; điều này có nghĩa là nếu quan hệ với Hoa Kỳ vì một lý do nào đó xấu đi thì quan hệ của Việt Nam với các nước dân chủ cũng sẽ giảm sút...

Phải chăng những cam kết ngoại giao hoàn toàn lệ thuộc Trung Quốc, phản bội ASEAN và tình trạng tuyệt vọng về kinh tế, không trông đợi được gì từ phía Trung Quốc đã khiến Trương Tấn Sang phải vội vã qua thăm Indonesia 10 hôm sau khi từ Trung Quốc về và Hoa Kỳ một tháng sau đó.

Vận động từ cộng đồng người Việt tại Mỹ, các vị Dân Cử và các Tổ Chức tranh đấu cho Dân Chủ trước tin Trương Tấn Sang qua thăm Hoa Kỳ.

Đây là một cuộc vận động đều khắp và rộng rãi gồm hàng ngàn thư từ dân chúng gửi tới cho Tổng Thống Obama, nhiều kiến nghị và hội kiến với Tổng Thống bởi các Dân Biểu (Zoe Lofgren, Susan Davis, Alan Lowenthal và Scott Peters, Loretta Sanchez… ) vận động cho Dân Quyền nói chung tại VN cũng như yêu cầu chế độ CSVN phải trả tự do cho các nhà dân chủ đang bị cầm tù trái phép. Mặt khác cũng có kiến nghị của rất nhiều tổ chức phi chánh phủ.
Sau cùng, cộng đồng người Việt hải ngoại tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và nhiều thành phố cách đó gần 1000 Km cũng tổ chức một cuộc biểu tình tại công viên Lafayette trước Toà Bạch Ốc vào đúng ngày TTS tới White House.


(Tôi không đi vào chi tiết cuộc vận động này vì muốn đặt trong tâm nhận định về chuyến đi của TTSang)  


Hình ảnh đẹp nhất trong cuộc biểu dương của đồng bào tại Washington trong ngày TTS tới White House



Chưa bao giờ địch và ta gần nhau đến như vậy

Hình ảnh Trương Tấn Sang tới Washington DC




Ông Đại sứ Hoa Kỳ tại VN là nhân vật cao cấp nhất ra đón ông Chủ Tịch Trương Tấn Sang tại phi trường.


So sánh với cuộc đón tiếp Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm cách đây hơn nửa thế kỷ bởi Tổng Thống và Ngoại Trưởng Hoa Kỳ tại chân cầu thang máy bay.




Sau đó Trương Tấn Sang đã lếch thếch đi ra chỗ hàng rào phi trường để bắt tay một số con ông cháu cha được điều ra để chào đón.





Ngày hôm sau khi Trương Tấn Sang tới White House, ngoại trừ ông Chủ Tịch, phái đoàn tháp tùng phải đi bộ vào White House bằng cửa hông.

Chưa bao giờ Hoa Kỳ đón tiếp một nguyên thủ quốc gia một cách rẻ rúng như thế này! Phải chăng đây là bài học chính quyền Mỹ dậy cho người đại diện một chế độ đã coi thường người dân từ nhiều năm qua… Đây là cảm nghĩ của nhiều người Việt tại Hoa Kỳ.
Nhìn một cách lý luận hơn, cuộc đón tiếp nhẹ thể dành cho ông Chủ Tịch Trương Tấn Sang có thể là để xoa dịu dư luận tranh đấu cho nhân quyền tại Mỹ, đồng thời để nói lên thông điệp là Việt Nam cần Hoa Kỳ hơn là Hoa Kỳ cần VN, điều mà giới lãnh đạo và guồng máy tuyên truyền của Hà Nội vẫn nghĩ ngược lại, họ quan niệm chủ quan từ nhiều năm qua rằng VN rất đắt giá với Hoa Kỳ, có lẽ đó là lý do cản trở việc bình thường hóa tương quan giữa 2 quốc gia.

Sau cuộc đón tiếp tẻ nhạt, cuộc tiếp xúc giữa 2 ông Obama và Trương Tấn Sang đã diễn ra khá tích cực, qua hình ảnh buổi họp báo chung, Trương Tấn Sang đã tỏ ra có khả năng diễn đạt vượt trội so với các ông Phan Văn Khải và Nguyễn Minh Triết trước đây.

Khác nhau giữa hai tuyến bố chung Việt Trung và Việt Mỹ


Một trong những chủ đề thảo luận của ông Sang trong chuyến viếng thăm Trung Quốc là việc hợp tác giữa hai đảng cộng sản. Đã có nhiều lời lẽ “tốt đẹp” dành cho mối quan hệ giữa hai đảng và đưa ra những hoạt động cụ thể.

Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc viết:
“hài lòng trước sự phát triển của quan hệ hai Đảng,”

“nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai Đảng, thúc đẩy cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và Ban Tuyên giáo, Tuyên truyền của hai Đảng vận hành thuận lợi, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ Đảng và Nhà nước”

“phối hợp chặt chẽ, cùng nhau tổ chức tốt Hội thảo lý luận hai Đảng lần thứ 9,”

“tăng cường hơn nữa trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng và quản lý đất nước, thúc đẩy xây dựng Đảng và đất nước ở mỗi nước.”
“Đi sâu trao đổi kinh nghiệm công tác Đảng và chính trị”

Nếu như bản Tuyên bố chung Việt – Trung nói đến việc hợp tác giữa hai đảng cộng sản thì bản Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ nói đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ viết:
“ghi nhận lợi ích của việc đối thoại thẳng thắn và cởi mở nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt về quyền con người.”

“nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.”

“Chủ tịch Trương Tấn Sang thông báo với Tổng thống Obama những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền con người, nhà nước pháp quyền và bảo vệ quyền của các tín đồ tôn giáo.”

“Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng ký Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc vào cuối năm nay và tuyên bố Việt Nam sẽ mời Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng vào năm 2014.”

“Hai bên tái khẳng định cam kết ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người.”

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh tới 2 điểm trong Thông Báo Chung Việt Nam - Hoa Kỳ xem ra có lợi cho phía CSVN:

Mục Quan hệ kinh tế và thương mại có ghi

Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của quan hệ thương mại ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế và đặc biệt nhắc tới: Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân tác giữa Tổng Công ty thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty dầu khí Murphy,  hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ về hỗ trợ thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng ở Việt Nam, Thỏa thuận khung triển khai dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh ngoài khơi Việt Nam giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Exxon Mobil, Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Công ty thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty dầu khí Murphy,

Qua điều này Hoa Kỳ phủ nhận thái độ lấn chiếm bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, đối đầu trực tiếp với Trung Cộng và ngăn cản thái độ tự tung tự tác của Tàu cộng tại đây.


Mục Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người có ghi:

Hai nhà lãnh đạo ghi nhận lợi ích của việc đối thoại thẳng thắn và cởi mở nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt về quyền con người. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thông báo với Tổng thống Obama những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy nhân quyền, và pháp trị và bảo vệ quyền của các tín đồ tôn giáo. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng ký Công ước Chống Tra tấn của Liên hợp quốc vào cuối năm nay và tuyên bố Việt Nam sẽ mời Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng vào năm 2014. Hai bên tái khẳng định cam kết ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người.

Điều này không đáp ứng những đòi hỏi thực tế của các lực lượng dân chủ, chỉ là những nguyên tắc đại cương mà không có một cam kết gía trị cụ thể nào.
Nếu phe dân chủ thắng khi Hoa Kỳ tỏ ra lạnh nhạt trong việc đón tiếp TTSang, thì phía CSVN đã thắng khi họ chỉ cần cam kết một cách mơ hồ về vấn đề nhân quyền với phía Hoa Kỳ.

Ngay sau bản Tuyên Bố Chung, đã thấy có sự thay đổi trong thái độ của ông Sang đối với Trung Quốc.


Trong dịp phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ (CSIS) vào hôm 27/7, đáp lại 1 câu hỏi của cử tọa: Phillipines nhiều năm qua kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về đường lưỡi bò, vậy lập trường của Việt Nam về đường lưỡi bò là gì?

Trương Tấn Sang đã trả lời: 

“Lập trường của Việt Nam trước sau như một, không ủng hộ đường lưỡi bò, phản đối đường lưỡi bò, bởi đường lưỡi bò được xác lập trên cơ sở không có căn cứ điều khoản nào của bất kỳ loại luật pháp quốc tế nào”.

“Nếu có các bạn Trung Quốc ở đây thì chúng tôi cũng sẽ nói như vậy… Nói tóm lại, Việt Nam chúng tôi trước sau như một là không tán thành, hay nói trắng ra là phản đối đường lưỡi bò”, 

Về câu hỏi lập trường của Việt Nam thế nào khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về đường lưỡi bò, ông Sang nói tiếp:

"Đây là thẩm quyền của Philippines, Việt Nam hoàn toàn tôn trọng Philippines với tư cách là thành viên ASEAN và với tư cách thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc, các bạn Philippines có toàn quyền. Chúng tôi không bình luận gì thêm nữa".


Đó là lập trường cứng cỏi và minh bạch nhất về vấn đề Biển Đông từ một giới chức cao cấp nhất của CSVN.

Tổng kết lại, bài trình bầy này nhằm ghi ra những điều “nhận thấy”. Chúng ta cũng cần hiểu rằng Tuyên Bố Chung không nhất thiết ghi lại đầy đủ các điều đã được bàn luận và thoả thuận và những điều “cam kết” trong Tuyên Bố Chung chưa chắc đã được hoàn toàn thực hiện.
Vì trong quá khứ, cộng sản thường hứa một đàng, làm một nẻo cho nên hiếm ai tin vào điều CS hứa, tuy nhiên dầu không tin tưởng vào điều CS hứa, chúng ta vẫn có thể căn cứ vào những gì họ cam kết để tranh đấu buộc phải có những kết quả cụ thể kèm theo những hứa hẹn…
Lấy thí dụ về lá thư Hồ Chí Minh gửi Truman mà Trương Tấn Sang đã dùng như một món quà tinh thần tặng Obama, người ta có thể:
Hoặc bảo rằng đây chỉ là thêm một trò bịp của CSVN, chấm hết.
Hoặc lạc quan hy vọng là CSVN sẽ có một hành động thiện chí vào dịp 2/9 sắp tới.
Hoặc tiếp tục tranh đấu để đòi hỏi Trương Tấn Sang phải thực hiện điều Hồ Chí Minh đã cam kết tại Ba Đình 67 năm trước đây.

Người Việt đã và đang là nạn nhân của CSVN, khó khăn cho dân tộc càng lớn nếu có sự cấu kết chặt chẽ giữa CSVN và CSTQ.

Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Trương Tấn Sang cho thấy sự cấu kết giữa 2 đảng CS VN và TQ có chỉ dấu bớt chặt hơn trước. Đó là hiện tượng tốt giúp cho cuộc tranh đấu cho dân chủ VN thêm thuận lợi.

Hoàng Cơ Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét